Vùng trữ lũ được tái khởi động sau 13 năm, người Trung Quốc mất ngủ, ôm gà vịt chạy đua với lũ trong đêm
Người dân địa phương cho biết, đây không phải lần đầu tiên khu vực họ sống trở thành vùng trữ lũ.
Chịu ảnh hưởng của lượng mưa lớn kéo dài nên của dòng chính của sông Hoài đoạn chảy qua đập Vương Gia (An Huy) đã vượt quá mức cảnh báo và tiếp tục gia tăng. Do đó, đập Vương Gia đã được mở và như vậy, khu vực trữ lũ Mông Oa đã được khởi động trở lại sau 13 năm.
Tân Hoa Xã cho biết, vào 0h00 rạng sáng ngày 20/7, Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt và hạn hán thành phố Phụ Dương đã quyết định nâng cấp ứng phó kiểm phòng chống lũ từ cấp 2 lên cấp 1 - cấp cao nhất. Bên cạnh đó, từ tối ngày 19/7 đến sáng ngày 20/7, hơn 2.000 cư dân sống trong khu vực lưu trữ lũ Mông Oa được sơ tán ngay lập tức.
Được biết, vào lúc 7 giờ tối, huyện Phù Nam (Phù Dương, An Huy) nhận được thông báo, những người dân sống ở bốn thôn làng, thị trấn trong khu vực không an toàn của Mông Oa cần được sơ tán toàn bộ trước 3h sáng ngày 20/7, để đảm bảo rằng khu vực lưu trữ lũ có thể được sử dụng bất cứ lúc nào.
Lúc này, chỉ còn hơn 7 tiếng đồng hồ trước 3h sáng. Tại Mông Oa, người dân bước vào thời gian đếm ngước chạy đua với lũ. Hơn 2.000 người đã có một đêm không ngủ.
"Với 40.000 con gà, 7 tiếng đồng hồ căn bản là không đủ", Lương Siêu - chủ hộ chăn nuôi gà ở thôn Quế Miễu vừa nói chuyện vừa liên tay chuyển từng lồng gà lên xe tải, sơ tán đến một trang trại gà ở thôn bên cạnh.
Trữ lũ khác với xả lũ, vùng trữ lũ có địa hình trũng giống như cái bồn lớn, có nhiệm vụ chứa lũ từ vùng thượng lưu đổ về. Mỗi khi vùng trữ lũ được sử dụng, người dân sống ở khu vực này sẽ được sơ tán tới nơi có địa hình cao hơn hoặc an toàn khác.
Trong khi đó, chia sẻ với báo Tân Kinh, bà Tiêu Diễm Lệ - một người dân địa phương cho hay, do có kinh nghiệm nên gia đình bà đã sớm thu dọn đồ đạc từ trước đó nhưng không phải ai cũng may mắn như gia đình bà.
"Đặc biệt là những hộ chăn nuôi, có người dành cả đêm để lùa bò dê, vất vả một phen cuối cùng cũng coi như thành công. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là [những hộ] nuôi tôm, cá và cua. Đây là những thứ không thể mang đi được", bà Tiêu nói. "Nhưng là vùng trữ lũ nên tinh thần [người dân sống gần] đập Vương Gia đều như vậy".
Ông Trương Bân, Bí thư đảng ủy thôn Lý Dĩnh cho biết, thiệt hại về hoa màu là không tránh khỏi khi cây trồng chính ở địa phương là lúa, ngô và đậu nành. Theo đó, trận lụt lần này đã khiến 3.706 mẫu đất canh tác chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo truyền thông Trung Quốc, việc nước lũ dồn về khu trữ lũ Mông Oa sẽ san sẻ gánh nặng, đảm bảo an toàn cho khu vực Hà Nam ở phía trên và khu vực Giang Tô ở phía dưới.
Một người dân chia sẻ: "Người dân [sống ở khu vực] đập Vương Gia chứng kiến cảnh mở cửa đập, trữ lũ như này không phải chỉ một hai lần. Một ý nghĩa quan trọng hơn chính là "vì ngôi nhà lớn mà buông nhà nhỏ"".