Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: Hướng tới tầm nhìn phát triển bền vững
Kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ dù đã được cải thiện, song đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hạn chế trong liên kết phát triển.
Liên kết còn yếu và thiếu
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh trực thuộc Trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây được coi là vùng có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; nhiều di sản văn hóa đặc sắc, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán…
Báo cáo từ các địa phương cho thấy, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”, và Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị; cùng sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương; sự chủ động, nỗ lực vươn lên của các địa phương trong vùng, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu; tăng trưởng GRDP của vùng qua các năm được cải thiện.
Giai đoạn gần đây, chất lượng tăng trưởng chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng giảm mạnh…
Một số tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên đã được xây dựng….
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng.
Đặc biệt, hệ thống đường kết nối Đông - Tây còn ít. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý, đồng bộ, tính kết nối không cao. Hệ thống đường giao thông biên giới còn nhiều khó khăn. Hạ tầng đường sắt không phù hợp cho kết nối quốc tế.
Bên cạnh đó còn thiếu cơ sở dữ liệu của vùng về các sản phẩm chủ lực, nguồn nhân lực, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế cụ thể, dẫn đến hợp tác liên kết nội vùng và liên vùng chưa hiệu quả; đời sống của người dân còn khó khăn, đặc biệt tại những vùng có đông bà con dân tộc thiểu số.
Cần tư duy đổi mới
Trên cơ sở đánh giá khách quan kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong liên kết phát triển thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, các địa phương trong vùng cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ; phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương để từ đó có quyết tâm thay đổi, cách làm mới thúc đẩy xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, trong đổi mới thể chế liên kết vùng, thay vì tập trung hình thành các bộ máy mang tính hành chính, cần có cơ chế phối hợp linh hoạt hơn; tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung đột phá vào hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trước hết là các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, tạo thành hành lang phát triển, kết nối cảng biển, sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế.
Các địa phương trong vùng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với liên kết phát triển, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình trọng tâm, trọng điểm...
Theo TS. Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia nói chung và quy hoạch, liên kết vùng nói riêng nếu đúng và trúng sẽ xác định được con đường đi một cách ngắn nhất, khoa học nhất trong việc tổ chức không gian phát triển, định hướng phát triển, cách thức phát triển phù hợp bối cảnh, tình hình của từng giai đoạn.
Để xây dựng, thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có chất lượng và tầm nhìn thì phải có sự gắn kết các địa phương trong vùng để tận dụng được lợi thế sẵn có, đồng thời hạn chế được việc triệt tiêu các nguồn lực của từng địa phương.
Vấn đề định hướng và tổ chức không gian phát triển là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, thông qua hành động tập thể. Do đó, 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ cần có sự thống nhất nhận thức chung, mục tiêu chung từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau theo phương châm “muốn đi nhanh và đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Đó cũng là xu thế liên kết, chia sẻ hợp tác của kinh tế thế giới ngày nay.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Chí Dũng, nhiều ý kiến cho hay, cần thay đổi nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị để liên kết vùng trở thành động lực của tăng trưởng; tập trung vào liên kết xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đặc biệt là giao thông; liên kết trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết hình thành các không gian kinh tế đặc thù về nông nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu, các hành lang kinh tế; liên kết trong xúc tiến và thu hút đầu tư...
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn cư trú xen kẽ của nhiều dân tộc nhưng có sự khác nhau giữa Đông Bắc và Tây Bắc. Vùng Đông Bắc là nơi cư trú của người Tày, Dao, Mường, Nùng…; vùng Tây Bắc là nơi cư trú của người Thái, Mông, Dao… Mỗi dân tộc có những nét văn hóa mang bản sắc riêng, đa dạng và độc đáo.