Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy

Ngày 30/7, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ngày 30/7, tại tỉnh Lào Cai, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, đã làm việc với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương trong vùng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và nêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, làm việc tại Vùng trung du và miền núi phía Bắc - Ảnh: VGP

Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, làm việc tại Vùng trung du và miền núi phía Bắc - Ảnh: VGP

Theo đó, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%) và là vùng cao nhất cả nước, trong đó, Bắc Giang có mức tăng trưởng cao nhất cả nước là 13,45%. GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68 triệu đồng (cao hơn vùng Tây Nguyên); thu ngân sách Nhà nước năm 2023 vào khoảng 88.000 tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2022. Tuy nhiên, Vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng "lõi nghèo" của cả nước, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ…

Các địa phương kiến nghị Trung ương có chính sách đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông, trước hết là kết nối dọc, để đến năm 2030 không có tỉnh nào không có cao tốc đi qua, đồng thời tăng tính liên kết ngang; có chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực cho vùng. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần quan tâm đẩy mạnh phân cấp cho địa phương về ngân sách, đầu tư công, đất đai, khoáng sản; đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu quốc tế, mô hình cửa khẩu thông minh; xây dựng các chương trình mục tiêu giai đoạn sau 2025 với số lượng nhóm chính sách gọn hơn, tập trung hơn để các địa phương dễ thực hiện; hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng văn hóa của vùng.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng trung du và miền núi phía Bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước, nên tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương nỗ lực, quan tâm hơn nữa đến cán bộ là người dân tộc, làm công tác dân tộc - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương nỗ lực, quan tâm hơn nữa đến cán bộ là người dân tộc, làm công tác dân tộc - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương, mong địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương nỗ lực, quan tâm hơn nữa đến cán bộ là người dân tộc, làm công tác dân tộc. Đồng thời cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp nhưng nhiều địa phương chưa triển khai, liên kết giao thông phải đi trước để khai thác tiềm năng, lợi thế…

Thúy Vy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-nhieu-tiem-nang-loi-the-chua-duoc-phat-huy-335822.html