Vùng văn hóa đặc sắc bên sông Cầu
Vùng quê bờ bắc sông Cầu gồm các xã, thị trấn phía đông nam của huyện Việt Yên (Bắc Giang). Trong lịch sử vùng đất này có nhiều vị hiền tài kinh bang tế thế, nổi danh với 'làng tiến sĩ' Yên Ninh. Ðây cũng là vùng văn hóa đặc sắc với nhiều làng chèo, quan họ cổ. Vùng quê nghèo thuần nông xưa, nay đang đổi thay mạnh mẽ trở thành vùng công nghiệp, đô thị trọng điểm của huyện, của tỉnh.
Vùng quê bờ bắc sông Cầu gồm các xã, thị trấn phía đông nam của huyện Việt Yên (Bắc Giang). Trong lịch sử vùng đất này có nhiều vị hiền tài kinh bang tế thế, nổi danh với "làng tiến sĩ" Yên Ninh. Ðây cũng là vùng văn hóa đặc sắc với nhiều làng chèo, quan họ cổ. Vùng quê nghèo thuần nông xưa, nay đang đổi thay mạnh mẽ trở thành vùng công nghiệp, đô thị trọng điểm của huyện, của tỉnh.
Truyền thống văn hóa đặc sắc
Các xã phía đông nam của huyện Việt Yên gồm: Hồng Thái, Tăng Tiến, Hoàng Ninh, Vân Trung, Quang Châu và thị trấn Nếnh. Làng Yên Ninh (thị trấn Nếnh) nổi danh lâu đời là "làng tiến sĩ". Họ Thân làng này có công mở mang học vấn, cung cấp nhiều hiền tài cho đất nước. Thời nhà Lê, làng có đến 10 tiến sĩ, riêng gia đình cụ Thân Nhân Trung có bốn thế hệ ông, cha, con, cháu đều đỗ tiến sĩ. Bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội hiện còn khắc ghi câu bất hủ của tiến sĩ Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn".
Cũng nổi danh người dòng họ Thân nhưng ở làng Như Thiết, xã Hồng Thái có Tả Ðô đốc, Hán Quận công Thân Công Tài là một viên quan dưới triều Lê trung hưng. Ðược giao trấn ải vùng biên cương Lạng Sơn, Thân Công Tài cho khai mở chợ Kỳ Lừa để người dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán. Chợ Kỳ Lừa nhanh chóng thành nơi buôn bán tấp nập. Ghi nhớ công lao ấy, nhân dân hai bên biên giới tôn ông là "Sư phụ Lưỡng quốc khách nhân".
Còn ở làng Hoàng Mai, đời vua Lê Thần Tông có Tể tướng Trần Ðăng Tuyển. Sử sách chép rằng, năm 1640, Trần Ðăng Tuyển khi đó 27 tuổi đỗ Ðại khoa rồi tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Sự nghiệp kinh bang tế thế của ông góp phần củng cố vương triều Lê -Trịnh, đưa đất nước phát triển ổn định giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII.
Vậy là làng trên, xóm dưới và làng Hoàng Mai của tôi đều có các vị hiền tài cả quan văn, quan võ và "quan kinh tế", như thế đã đủ xứng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Người dân quê tôi rất mê ca hát. Dân ca quan họ là sản phẩm của vùng Kinh Bắc xưa, bao gồm tỉnh Bắc Ninh ở bờ nam sông Cầu và ở bờ bắc sông Cầu có tới 18 làng quan họ cổ thuộc huyện Việt Yên ngày nay. Có một "làng chèo giữa miền quan họ" thì chính là "làng chèo Hoàng Mai". Còn nhớ những đêm diễn chèo ở sân kho hợp tác bao giờ cũng chật ních người xem. Tôi thường phải mang chiếu trải giữa sân từ lúc chiều tối để xí chỗ cho cả nhà. Cơm nước xong, mọi người lục tục kéo đến. Trống ba hồi chín tiếng, cánh màn nhung từ từ mở ra thì kìa là dì Tĩnh, chị Tâm, chị Khoa, anh Hoàng, các cậu, các mợ họ hàng nhà tôi vừa buổi chiều còn cày cuốc, bới đất lật cỏ, giờ đã thành ông vua, bà chúa, hoàng tử, Thị Kính, Thị Màu, cô Tấm, chú hề đồng… Oai phong lẫm liệt, xinh đẹp nết na, gian trá và trừng phạt, oan khiên cùng cực, tếu táo mà chua cay... ấy là những cung bậc cảm xúc đã đi suốt tuổi thơ tôi và in đậm cho đến hôm nay.
Trải qua bao năm tháng, thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, tiếng trống chèo Hoàng Mai vẫn vang lên mỗi dịp hội hè, Tết đến Xuân về. Năm 2019, bà Ðỗ Thị Khoa biết hát chèo từ nhỏ, nay gần 80 tuổi vẫn say mê trao truyền cho người trẻ đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Ai đó bảo người tốt bụng thường lạc quan và mê ca hát, cứ nhìn vào người làng mình thì tôi tin là như vậy.
Làng Hoàng Mai có ba cái ao lớn. Ao Hậu, ao Ðình và ao Ngòi. Nhà tôi gần ao Hậu. Cả tuổi thơ tôi gắn bó với ao Hậu. Ngày ấy tôi có cảm giác ao Hậu rộng lắm, bờ nọ bờ kia như hai bờ sông Thương bây giờ. Nước ao Hậu cũng xanh trong như nước sông Thương mùa thu soi bóng cây tre già khắc khổ cong trĩu gật gù. Ao Ðình, ao Ngòi rộng dài hơn. Mỗi dịp hội hè dân làng tổ chức hát trên thuyền rồng và trò bịt mắt bắt vịt ở ao Ðình. Riêng ông Tố mang mấy cái vạc nấu mật mía to tướng ra để thi bơi. Dân làng được phen cười nghiêng ngả khi ai đó vừa bước lên thì cái vạc đã chòng chành quay tít rồi ụp một cái làm bổ chửng người chơi xuống nước.
Gọi là ao Ðình vì gần đình. Nghe thầy tôi kể đình, chùa làng tôi rất to, lúc tiêu thổ kháng chiến đã bị đốt, cháy mấy ngày mới hết. Ðình, chùa mà tôi biết là được làm lại. Trong sân đình có cây thị già trăm tuổi. Ngày trước cái thân rỗng của nó đủ cho mấy đứa chúng tôi chui vào. Giờ thì chỉ còn một mé, phải chống đỡ bằng cột bê-tông nhưng cành lá còn sum suê lắm.
Làng Hoàng Mai còn có cả nhà thờ thuộc giáo xứ Ðạo Ngạn, giáo phận Bắc Ninh vừa được phục dựng sau hơn 60 năm hoang phế. "Chuông ngân mây trắng mong manh chiều tà" cũng là một khoảnh khắc chiều thu ở cái xóm giữa làng tôi bây giờ.
Hướng tới giàu đẹp
Hoàng Mai là một làng cổ, cái tên ấy đã có hàng mấy trăm năm. Có thể từ nay về sau tôi mãi gọi Hoàng Mai bằng hai tiếng "làng tôi" thân thương như thời còn thơ bé, nhưng gọi thế sẽ không còn đúng như trong văn tự bây giờ. Từ năm 2020 làng Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh có tên mới là tổ dân phố Hoàng Mai, sáp nhập vào thị trấn Nếnh.
Trong tùy bút "Về quê đốt lửa" của nhà văn Ðỗ Chu, chữ Nếnh được giải thích thế này: "Nếnh là nánh đọc chệch đi, nó là một tiếng cổ. Nó gợi một hình ảnh bên cao bên thấp, bên nặng bên nhẹ. Từ Nếnh hắt lên là đồng cao, từ Nếnh hắt xuống là vùng chiêm trũng. Vùng chiêm trũng vào mùa nước sóng đánh ì oạp, thuyền câu trôi nổi, qua Ninh Khánh, Núi Hiểu, Bài Xanh, Trúc Tay, xuống mãi Lục Ðầu...
...Chỉ dích lên một tị, đồng đất làng tôi đã khô ráo, một năm hai vụ chính, gặt xong lúa là bắt tay vào cày vỡ làm đất chuẩn bị gỡ khoai lang, trồng khoai sọ, trồng rau, trồng ngô, gieo đỗ, gieo lạc. Ở mấy vạt đất thấp gần nước thì trồng dâu nuôi tằm, vây ao vây chuôm thả sen nuôi cá...".
Ðịa thế "nánh" được coi là cái may mắn của Hoàng Mai so với mấy làng bên vì có cả đồng chiêm, đồng màu. Ngoài hạt lúa còn có thêm con củ, con khoai cho ấm bụng lúc nhỡ nhàng giáp hạt. Cánh đồng chiêm làng Hoàng Mai có cái tên rất đẹp là đồng Vàng. Mùa lúa chín mầu vàng no ấm tít tắp tận chân dãy Nham Biền. Còn vào tháng bảy nước nổi sóng sánh ánh bạc nó lại là một vựa tôm cua cá. Mùa ấy chúng tôi thường đi đánh dậm từ tờ mờ sáng, lúc mặt trời lên là có giỏ cua đầy. Bởi thế dân làng tôi mới có câu tự trào "trai tài đánh dậm đùi đen sạm, gái giỏi mùa cua chân mốc meo". Sau này có trạm bơm Trúc Tay nên cánh đồng Vàng cấy được hai vụ, dân trong làng, trong xã bớt đói khổ đi nhiều.
Cách đây hơn mười năm, quốc lộ 1A mới như dải lụa vắt qua đồng Vàng. Các khu công nghiệp Ðình Trám, Quang Châu, Vân Trung với rất nhiều nhà máy mọc lên. Cánh đồng chiêm vốn chỉ có ba mầu xanh, vàng, ánh bạc thì nay là nhấp nhô nhà máy và nhà máy. Những nhà máy ấy đã thu hút hàng trăm nghìn công nhân khắp nơi đến làm việc.
Ðồng chiêm đã lấp đầy nhà máy, đồng màu đang san lấp mặt bằng để xây dựng Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ, ruộng canh tác đã chuyển gần hết sang làm công nghiệp, đô thị; người làng Hoàng Mai chẳng mấy ai còn cấy cày hay trồng rau màu gì nữa. Thanh niên vào làm ở nhà máy hoặc dịch vụ buôn bán, "trai tài đánh dậm, gái giỏi mò cua" giờ đã lên ông, lên bà ở nhà trông cháu hoặc xây nhà trọ cho thuê. Nghe nói, số công nhân đến trọ đã gần bằng số dân của làng.
Hoàng Mai giờ đây đã đổi thay nhiều lắm. Khi hoàng hôn thấp thoáng có khi tôi ngỡ ngàng chẳng còn nhận ra đây là quê mình. Phố làng sáng rực. Quán xá nhộn nhịp. Loa nhạc xập xình. Ô-tô, xe máy mới cóng đầy đường… Thật mừng cho dân làng đã khá giả. Nhìn rộng ra các xã chung quanh và cả huyện cũng đã khá giả; từ một vùng thuần nông nay đã thành vùng trọng điểm công nghiệp, đô thị của tỉnh. Và một lộ trình không xa nữa thị trấn Nếnh sẽ trở thành phường, huyện Việt Yên sẽ trở thành thị xã. Năm 2020, huyện Việt Yên vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Vậy là, vùng đất địa linh nhân kiệt xưa đã từng được vinh danh anh hùng trong kháng chiến nay lại được vinh danh anh hùng trong lao động.
Thế nhưng, mừng nhiều đấy mà lo cũng nhiều đấy. Mừng vì đói nghèo được xua đi, nhà to cao ngày càng nhiều nhưng dường như thiếu những bàn tay sắp xếp sao cho ngăn nắp, sạch sẽ. Mấy năm qua ở Hoàng Mai nhà tầng, nhà trọ mọc lên như nấm chen chúc nhau lộn xộn, ngột ngạt. Công nhân ùn ùn về làng nên việc bảo đảm an ninh trật tự trở thành vấn đề khó khăn, phức tạp. Môi trường không khí, môi trường nước đang bị ô nhiễm.
Thật xót xa cho cái ao Hậu kia xanh trong là thế mà nay nước đen ngòm, bị đổ đất, đổ rác, lấn chiếm làm nhà nên hai bờ đã gần sát nhau, tôi có cảm giác chỉ nhãng vài bước chân là vượt qua ao Hậu. Nếu để mất đi những cái ao làng thì hát quan họ trên thuyền rồng và bao trò vui khác của hội làng lấy còn đâu "đất" diễn.
Rõ ràng ở Hoàng Mai và cả khu đô thị Nếnh đang có cái "nánh" giữa kinh tế và văn hóa. Ngẫm nghĩ có lẽ chẳng riêng Hoàng Mai, chẳng riêng đô thị Nếnh mà ở nhiều nơi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng để mà khá giả, để mà giàu có. Vì cái "nánh" ấy nên có chỗ giàu mà chưa đẹp, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy. Cái "nánh" này cần phải điều chỉnh thế nào cho "cân"? Giải pháp trước hết là tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời như chèo, quan họ, các trò chơi dân gian, tạo thêm những sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Xây dựng nếp sống văn minh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường xanh, sạch. Khi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm, người dân hưởng ứng thì sẽ sớm khắc phục độ "nánh" trên và như thế là hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vanhoa/vung-van-hoa-dac-sac-ben-song-cau-628686/