Vùng văn hóa kháng chiến Quần Tín – một thời chưa xa
Giữa buổi chiều mùa đông heo hắt gió, làng Quần Tín (xã Thọ Cường, Triệu Sơn) hiện diện trước mắt chúng tôi với khung cảnh thật yên bình, gần gũi. Nhìn những gương mặt cười hiền lành, chất phác bên thửa ruộng, mảnh vườn chăm chỉ trồng rau, xới xáo đất đai, mấy ai nghĩ được rằng nơi đây từng là nơi nuôi giấu đội ngũ văn nghệ sĩ, các học giả nổi tiếng của nước ta trong năm tháng mưa bom, bão đạn hiểm nguy; vùng 'thủ đô văn hóa kháng chiến' hoạt động sôi nổi, hăng hái một thời.
Giếng cổ làng Quần Tín – nơi trước đây từng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các đồng chí trong Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954.
Năm 1946 đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đã là người con đất Việt thì vẫn mãi khắc ghi trong tim lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đêm 19-12-1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều cơ quan Nhà nước phải di tản vào vùng tự do Thanh Hóa. Trường Văn hóa nghệ thuật đầu tiên mở ở làng Bôn (huyện Đông Sơn) nhưng do không đảm bảo an toàn nên đã được chuyển về làng Quần Tín. Và trong suốt khoảng thời gian từ năm 1947 – 1954, làng Quần Tín được chọn làm nơi ở và hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. Vùng đất lịch sử này không chỉ được chọn làm “căn cứ an toàn” cho đội ngũ văn nghệ sĩ, các học giả nổi tiếng của nước ta lúc bấy giờ mà còn là “địa chỉ đỏ” được tướng Nguyễn Sơn đưa Văn phòng Quân khu IV về đây kết hợp với Bộ Văn hóa mở các lớp đào tạo cán bộ văn hóa kháng chiến, chỉnh huấn “rèn cán chỉnh quân” phục vụ kháng chiến. Vì thế, làng đã trở thành chiếc nôi đào tạo, che chở, bao bọc, rèn luyện các văn nghệ sĩ và chiến sĩ cách mạng cung cấp cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Với phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”, Hội Văn nghệ Việt Nam lúc này được xác định là mặt trận tư tưởng của Đảng, thực hiện khẩu hiệu: “Kháng chiến văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Để “kháng chiến hóa văn hóa”, văn hóa phải nhằm đến đối tượng quần chúng đông đảo. Bởi vậy, văn hóa giai đoạn này được hướng đến phong trào hiện thực, đại chúng. Làng Quần Tín trở thành “cái nôi” dung dưỡng cảm hứng sáng tác, thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng, có sức sống bền bỉ với thời gian đã được sáng tác trong thời kỳ này như: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Phá đường” của Tố Hữu, “Đường vui”, “Tình chiến dịch” của Nguyễn Tuân... Vào những năm 1948 – 1949, tại đình làng Quần Tín, các lớp văn hóa kháng chiến khóa II và III cũng được mở, do Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên có uy tín như: Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... Đặc biệt, tại ngôi đình Quần Tín còn lưu dấu ấn của các nhà chính trị tham gia giảng dạy và nói chuyện tại lớp văn hóa kháng chiến như: Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sơn, Phạm Ngọc Thạch... Năm 1949, xưởng Mỹ thuật Liên khu IV được thành lập ở Quần Tín do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành... Xưởng đã tổ chức sáng tác tranh sơn mài, thử nghiệm tranh in khắc đá màu và điêu khắc... Ngoài việc sáng tác, các họa sĩ còn mở các lớp dạy vẽ và tham gia giảng dạy cho các khóa học văn nghệ kháng chiến. Đội văn nghệ lưu động, đội kèn đồng, đoàn kịch, múa lưu động đến các địa phương biểu diễn để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của cách mạng phục vụ kháng chiến kiến quốc.
Bên cạnh đình làng, một số nhà dân không chỉ là nơi ở cho các gia đình văn nghệ sĩ tản cư mà còn là nơi mở lớp học, sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa, nơi đóng quân doanh cho tướng Nguyễn Sơn. Nhiều học viên của lớp văn hóa kháng chiến sau này trở thành những nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng như: Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Hoàng Trung Thông, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam; Vũ Thị Giáng Hương, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam... Đặc biệt, từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951, gia đình Hoàng thân Xu–pha–nu– vông đã được bà con làng Quần Tín nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ an toàn trong thời gian lưu trú tại làng, khẳng định thêm nghĩa tình thủy chung sâu sắc, chân thành trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào.
Những tưởng chuyện của lịch sử vốn là chuyện đã qua. Những người thuộc về giai đoạn phục vụ kháng chiến vẻ vang, đáng tự hào của làng Quần Tín nay phần nhiều cũng đã về với đất mẹ; số ít người còn sống nhưng không còn đủ minh mẫn để phân biệt rạch ròi chuyện xưa – chuyện nay. Tuy nhiên, các thế hệ cháu con của làng vẫn một lòng mong mỏi, trăn trở lưu giữ lại, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của cha ông. Ông Phạm Xuân Kỳ, Chủ tịch UBND xã Thọ Cường chân thành chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương từ lâu đã có nguyện vọng xây dựng một ngôi nhà truyền thống và các khu bổ trợ tạo thành khu di tích lịch sử cách mạng. Từ năm 2013, từng hộ dân của làng Quần Tín đã tự nguyện cam kết hiến đất và đổi đất để làm nơi xây dựng khu di tích nhưng do hạn chế về nguồn kinh phí nên đến nay vẫn chưa thực hiện được”.
Nhằm tri ân công lao, đóng góp to lớn của nhân dân làng Quần Tín trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954); đồng thời lưu giữ, tái hiện lại một thời kỳ hoạt động cách mạng kiên cường, quả cảm của Hội Văn nghệ Việt Nam; thiết nghĩ, việc xây dựng ở đây một khu di tích là cần thiết, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khu di tích ấy không đơn thuần là địa chỉ sinh hoạt cộng đồng mà hơn hết, nó sẽ là điểm đến thu hút du khách tham quan, “địa chỉ đỏ” giáo dục các thế hệ mai sau, minh chứng sống động về truyền thống yêu nước nồng nàn, lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc. Để làm được điều đó, bên cạnh những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Cường, cần có sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Thanh Hóa – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nxb Thanh Hóa, 2019).