Vững vàng cánh sóng Trường Sa
Đóng quân nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đối diện với khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện sống, nhưng cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa, thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bằng tinh thần thép, kiên cường vươn xa cánh sóng, hiên ngang giữa biển trời, sẵn sàng cùng các lực lượng quân, dân trên đảo, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo chân đoàn công tác đến kiểm tra, thăm và chúc Tết quân dân trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi được chứng kiến các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của các trạm ra-đa, thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 họ được ví như “mắt thần” của Tổ quốc giữa biển khơi.
Những “mắt thần” vệ quốc
Dù vừa trải qua hải trình dài hai ngày, hai đêm, nhưng đặt chân đến Trường Sa, những mỏi mệt dần nhường chỗ cho niềm tự hào, xúc động đan xen chút bồi hồi khi lần đầu tôi thăm quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa về đêm không tĩnh lặng như đất liền, những con sóng cuồn cuộn, nối đuôi nhau xô bờ xào xạc. Bỗng, tiếng kẻng báo động keng, keng, keng…!!! vang lên dồn dập.
Tình huống luyện tập, Trạm Ra-đa 11 vào cấp một. Chưa dứt hiệu lệnh cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng cơ động thành các tổ, đội về vị trí chiến đấu đã quy định. Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ, Trạm trưởng có mặt tại sở chỉ huy từ sớm, ra khẩu lệnh “làm công tác chuẩn bị chiến đấu”, như một dây chuyền được lập trình sẵn, các nhân viên VRS, báo vụ, dịch điện phối hợp nhịp nhàng, khẩu lệnh “có”, “rõ” “nhận đủ” vang rền, đều đặn... Tất thảy đều tập trung cao độ quan sát mục tiêu, nhanh chóng truyền tình báo về sở chỉ huy Trung đoàn.
Tình huống giả định kết thúc đúng lúc đồng hồ điểm 23 giờ đêm, tranh thủ những giây phút quý giá trên đảo chúng tôi trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ, Trạm trưởng, anh cho biết: “Quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để nhân dân vui Xuân, đón Tết là trách nhiệm vinh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đón Tết xa nhà, xa người thân, đất liền, nhưng cả Trạm gắn kết như một gia đình lớn, dẫu khắc nghiệt, thiếu thốn, khó khăn đến như thế nào, anh em vẫn đùm bọc, yêu thương, sẻ chia và động viên nhau cố gắng. Toàn đơn vị cùng một mục tiêu chung, đó là bảo vệ bình yên bảo vệ bầu trời Tổ quốc, để nhân dân yên tâm đón Tết”.
Nghe những trải lòng đầy xúc động của anh về đời sống và nhiệm vụ bám biển, canh trời, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết, nghị lực, sự can trường của những người lính phòng không trên tuyến đầu Tổ quốc. Cũng với lý tưởng, quyết tâm ấy, Hạ sĩ Phạm Trung Minh Quang, nhân viên sở chỉ huy, quê ở Bảo Quang, Long Khánh, Đồng Nai, năm nay vừa tròn 20 tuổi, đây là lần đầu tiên đón Tết xa gia đình. Bên tôi, Quang tâm sự: “Ở giữa biển cả mênh mông này, chúng em thấm đượm hơn bài học cha ông về đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chúng em quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ canh trực, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo mục tiêu... Ở đất liền, gia đình, bố mẹ cứ yên tâm, nơi đảo xa có chúng em luôn cố gắng canh giữ biển, trời”.
Nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” luôn gắn liền với thử thách, hiểm nguy, bởi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, trong khi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Thế nhưng, những “mắt thần” ngày đêm vẫn tỏ, vươn xa cánh sóng, khép kín trường ra-đa bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời.
Đồng chí Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Trường Sa cho biết: “Một số trạm ra-đa trên quần đảo Trường Sa gần hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân và hoạt động của nước ngoài. Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ, mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, giữ gìn và phát triển bền vững kinh tế biển... qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, các lực lượng trên các điểm đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tích cực phối hợp phòng thủ đảo, xử lý tốt tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây chính là những cơ sở vững chắc để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền”.
Đón Tết nơi trùng khơi
Chia tay đảo Trường Sa, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình nơi đầu sóng, ngọn gió, tiền tiêu Tổ quốc. Phía Tây đảo Nam Yết, cánh sóng Trạm Ra-đa 57 hiện lên giữa bốn bề cát trắng, xen lẫn màu xanh của những tán bàng vuông, phong ba, bão táp... tất thảy như đang hòa quyện vào nhau, tô điểm cho một mùa xuân mới đang tràn về giữa trùng khơi thêm thú vị.
Công tác chuẩn bị đón Tết ở đây diễn ra khá sôi động, mỗi người một việc, hối hả tổng dọn vệ sinh, sơn sửa lại nhà cửa, làm báo tường, trang trí Tết... những chiến sĩ lần đầu đón Tết xa nhà, cũng là lần đầu tiên ăn Tết ở đảo nên rất háo hức chuẩn bị trang trí bàn thờ Tết.
Hạ sĩ Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên sở chỉ huy, Trạm Ra-đa 57, bật mí: “Tình đồng đội ở đất liền đã gắn bó, khăng khít rồi, trên đảo tình cảm ấy được nhân lên gấp bội, anh em yêu mến nhau hơn... Tết đến, Xuân về được quây quần, ấm áp trong bầu không khí thắm tình đồng đội và quân dân trên đảo, giúp chúng em vững tinh thần lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng, ngọn gió, tuyến đầu Tổ quốc”.
Tinh thần sẻ chia, yêu thương đồng chí, đồng đội là bản tính vốn có của Hoàng. Giây phút chia tay, tôi ghé sát Hoàng hỏi nhỏ: “Đón Tết nơi đảo xa, chắc em nhớ nhà lắm nhỉ”. Hoàng đưa ánh mắt nhìn ra phía biển xa xăm, Hoàng nói: “Nỗi nhớ nhà dẫu có lớn, cũng được gác lại sâu thẳm trong lòng. Chúng em đang phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ canh trời, giữ biển”. Bất giác tôi thầm nghĩ, nếu nghe được câu trả lời này, có lẽ bố mẹ Hoàng ở quê sẽ vui lắm, cậu con trai biết tự lập và chín chắn hơn rất nhiều.
Cũng tràn đầy tinh thần lạc quan, cuộc hành trình tiếp theo chúng tôi đến với Trạm Ra-đa 21 trên đảo Song Tử Tây. Doanh trại, trận địa của đơn vị đang củng cố, sơn, sửa lại, vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải di chuyển đến Làng Chài, cách đó khoảng 600 mét, gần với nhân dân ăn, ở, sinh hoạt. Cơ sở vật chất và đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng không khí đón Tết vẫn rộn ràng không kém ở những nơi khác.
Trung tá Mai Duy Dũng, Chính trị viên Trạm Ra-đa 21 cho biết: “Bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, đơn vị tổ chức cấp phát và bảo đảm đúng đủ chế độ, tiêu chuẩn Tết cho bộ đội, niêm yết và công khai chặt chẽ. Bữa ăn ngày Tết có đầy đủ các món truyền thống như bánh chưng, dưa hành, thịt lợn, gà, giò... Đồng thời, cùng với các lực lượng quân, dân trên đảo, đơn vị tham gia các hoạt động, như: Thi gói bánh chưng, chấm trang trí, báo tường... vì vậy cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo rất phấn khởi vui Xuân, đón Tết”.
Anh Thái Minh Khai, sinh năm 1981, quê ở Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa, năm nay là năm thứ tư gia đình anh đón Tết trên đảo. Dù điều kiện sống không được như đất liền nhưng hòa chung với khí thế đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ cũng vơi đi nỗi nhớ đất liền. Anh cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn đoàn kết, yêu thương nhau như ruột thịt. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về các chú bộ đội ra-đa đều đem bánh chưng xuống tặng các hộ dân, điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết quân dân gắn bó. Chúng tôi rất trân quý, đem bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên”.
Để có được những chiếc bánh chưng thắm tình quân dân như vậy. Từ những ngày trước đó, các chuyến tàu mang theo niềm tin yêu của nhân dân cả nước gửi tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đảo xa. Cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, bánh, mứt, kẹo, lợn hơi, gà, vịt… để các lực lượng trên đảo tổ chức gói bánh chưng, trang trí Tết. Không thể thiếu những chậu quất cảnh, mai vàng, hoa đào... đem đến không khí nồng nàn, ấm cúng của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Ngoài ra, khắc phục điều kiện khó khăn của thời tiết, đơn vị chủ động trồng các loại rau như: Rau muống, rau cải, đậu bắp, mướp... bổ sung vào bữa ăn bộ đội trong dịp Tết.
Điểm cuối trong hành trình của chúng tôi là đảo Phan Vinh - nơi đón mặt trời sớm hơn đất liền 30 phút. Từ phía xa, đảo Trạm Ra-đa 44 bừng sáng ở đường chân trời. Bước lên đảo, trong không gian mặn mòi gió muối, chúng tôi được hòa mình trong bầu không khí sôi động với các hoạt động đơn vị, bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố, đi xe đạp chậm... chương trình phát thanh nội bộ vang lên những ca từ của bài hát Khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng, "Biển này là của ta/Đảo này là của ta, Trường Sa/Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua”... làm cho tâm trạng cán bộ, chiến sĩ thêm phấn chấn, rạo rực.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2023, Trạm Ra-đa 44 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng. Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, vui mừng chào đón một năm mới cùng sắc xuân căng tràn sức trẻ. Trung sĩ Phan Quốc Hoàng Đan, nhân viên sở chỉ huy, Trạm Ra-đa 44, quê ở Tây Hòa, Phú Yên, sau gần hai năm phấn đấu, rèn luyện Đan được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đan bật mí: “Phòng Hồ Chí Minh mới được củng cố khang trang, sạch đẹp, tại đó có sóng truyền hình, sóng điện thoại, đầy đủ các loại sách báo mới, có truyền thanh nội bộ, dàn karaoke mới được đem từ đất liền vào, bảo đảm tốt các hoạt động văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong dịp Tết”.
Những phần quà Tết trao tay, những lời chúc mang hơi ấm từ đất liền, những lá thư của các cháu học sinh gửi gắm tình cảm yêu thương tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo; để mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều trở nên thân thuộc, coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hình sóng là chiến trường.
Khép lại cuộc hành trình với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Trường Sa. Trong tâm trí chúng tôi vẫn lưu giữ hình ảnh người chiến sĩ canh trời kiên cường, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, đúng như chia sẻ của Đại tá Hàn Anh Truyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 377: “Dù xa đất liền, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đời sống còn khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 377 tuyệt đối vững vàng về tư tưởng, quyết tâm bám biển, canh trời, giữ gìn chủ quyền biển đảo để nhân dân yên tâm đón Tết”.
Bài, ảnh: CÔNG LUẬN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.