Vững vàng khí tiết cách mạng

'Dũng cảm trong chiến đấu, vững vàng khí tiết – một lòng bảo vệ cách mạng trước quân địch' là những ấn tượng không phai về nữ đảng viên Lào (tên là Bua) trong ký ức cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp.

“Tôi gắn bó với đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào như một cái duyên” – điều đầu tiên ông Nghiệp chia sẻ với chúng tôi, trước những câu chuyện kỷ niệm về con người và đất nước Lào.

 Ông Nguyễn Văn Nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp.

Chữ duyên ấy bắt đầu từ năm 1948, khi Nguyễn Văn Nghiệp - Chủ nhiệm Việt Minh xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mới 19 tuổi, đang được học tập ở Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ thì nhà trường có lệnh tuyển chọn học viên tham gia đoàn công tác giúp Hạ Lào xây dựng lực lượng cách mạng. Với suy nghĩ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó, mặc dù là con một, nhưng ông vẫn xung phong tình nguyện tham gia đoàn công tác. Thế nhưng, ngay vòng sơ tuyển về sức khỏe, Nguyễn Văn Nghiệp bị loại vì không đủ tiêu chuẩn. Gần đến ngày đoàn công tác lên đường, thì bất ngờ có một thành viên xin ở lại do điều kiện khách quan. Biết tin, ông liền viết tâm thư xin được tham gia đoàn công tác và lá tâm thư đó đã được chấp nhận. Tháng 8-1948, Nguyễn Văn Nghiệp có mặt ở Hạ Lào cùng tham gia xây dựng LLVT và phong trào cách mạng cho các bộ tộc Lào...

Đến Hạ Lào, ông cùng các đồng đội trải qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ dưới cái nắng, cái mưa và bệnh tật ốm đau (nhất là sốt rét rừng)… Nhưng mỗi lần gặp khó khăn là một lần ông và đồng đội lại được nhân dân các bộ tộc Lào yêu thương, giúp đỡ. Họ chia từng nắm cơm, manh áo trong cuộc sống hằng ngày; săn sóc từng ngụm nước, bát cháo lúc ốm đau và sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ cán bộ Việt Minh, bảo vệ lực lượng cách mạng Lào.

“Cuối năm 1954, tình hình đất nước Lào hết sức phức tạp. Bộ đội Pathet Lào Lào tập kết lên hai tỉnh Sam Neua, PhongSaly. Tôi được lệnh cắm vùng cùng các đảng viên người Lào để tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng lực lượng cách mạng ở bản Thồng Phạ, huyện PhiaPhay (nay là huyện Batumphon), tỉnh Champasack”. Ông Nghiệp kể lại.

Thời gian ấy, địch và lực lượng phản động đang làm chủ Batumphon. Hằng ngày, chúng đi càn, tìm diệt Việt Minh và lực lượng cách mạng Lào. Ông và các đồng đội phải trốn ở hang trong rừng, hay dưới hầm bí mật chỉ ra ngoài hoạt động vào buổi tối. Thời gian này, chị Bua một đảng viên, người dân ở bản Thồng Phạ là người che chở và nuôi lực lượng Việt Minh đang hoạt động ở Batumphon.

Hè năm 1955, trước những thất bại trên chiến trường, lực lượng phản động tăng cường truy quét cả ngày lẫn đêm. Bọn tay sai cũng bí mật chỉ điểm cho địch những người chúng nghi ngờ để địch tăng cường theo dõi.

Đã hai hôm, chị Bua không thể mang cơm ra cho bộ đội. Hôm thứ ba, khi tình hình tạm lắng, chị nắm cơm để đi tiếp phẩm. Khi vừa vào bìa rừng, bỗng nhiên chị có cảm giác lạnh cả sống lưng. Giữa tiếng xào xạc của cây rừng đón gió, chị mơ hồ nghe thấy tiếng lạo xạo rất nhỏ của bước chân người trên lớp lá khô. “Chết địch cho người theo dõi mình rồi – chị nghĩ”.

 Ông Nguyễn Văn Nghiệp trong thời gian hoạt động bên Lào năm 1954.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp trong thời gian hoạt động bên Lào năm 1954.

Nhanh trí, chị chuyển hướng tìm và chặt một cành cây thẳng. Rồi nét mặt tươi vui, đắc trí vì đã tìm được vật mình cần rồi quay trở ra bìa rừng, hướng về nương rẫy bước tới. Vừa đi được vài bước, bọn địch nhào ra tra hỏi chị - “Mày mang cơm vào rừng để tiếp tế cho Việt minh và Ít-xa-la?”. Chị Bua điềm tĩnh trả lời: “Tôi mang cơm cho người nhà đang trông nương rẫy”. “Thế tại sao mày đi vào rừng”, bọn địch gầm lên. “Tôi vào rừng kiếm cây tra cán cuốc” – chị trả lời. “Cây tra cán ngoài kia thiếu gì mà phải vào rừng? Mày vào rừng chỉ là để tiếp tế cho Việt minh và Ít-xa-la”, bọn chúng buộc tội và trói chị giải về đồn.

Ở đồn, chúng tiếp tục tra tấn và hỏi cung, nhưng không khai, chỉ nói đưa cơm cho người nhà ngoài nương rẫy. Địch tức tối giải chị cùng một thường phạm ra bìa rừng. Chúng đào hai cái huyệt, rồi đưa mỗi người đứng cạnh một cái huyệt và bịt mắt họ lại. Tên chỉ huy hỏi chị Bua: “Mày khai tất cả đi! Nếu ngoan cố tao sẽ bắn bỏ”, chị vẫn dứt khoát: “Tôi chẳng có gì để khai báo. Như các ông đã biết là quân đội Ít-xa-la và Việt Minh đã rút đi từ lâu”. Tên chỉ huy quát to: “Thế là hôm nay mày đã đến ngày tận số!”. Hắn ra lệnh: “Hãy bắn thằng kia trước rồi bắn con này sau”.

Một loạt súng nổ giòn. Tên chỉ huy lại hỏi: “Thế mày có khai không hay muốn chết theo thằng kia?”. Chị Bua trả lời: “Tôi chẳng biết gì để khai. Súng trong tay các ông, muốn bắn tôi thì cứ bắn!”. Tên chỉ huy cáu: “Mày giỏi thật rồi sẽ biết tay ông”. Nói xong hắn sai lính cởi trói, cởi khăn bịt mắt, đưa hai người trở về đồn.

Chúng dọa bắn hòng khuất phục chị Bua. Trái tim và ý chí của người chiến sĩ cộng sản Lào trong chị Bua đã thắng. Sau một thời gian giam giữ, chúng phải thả chị về.

Trở về làng, chị vẫn tiếp tục tham gia mọi hoạt động với tinh thần hăng hái bề bỉ của một đảng viên, luôn sẵn sàng cống hiến, hi sinh vì cách mạng Lào. Kể đến đây ông Nghiệp cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hạ Lào, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng chính trị, vũ trang, từ năm 1950 các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương cũng được thành lập để lãnh đạo phong trào. Đến giữa năm 1954, toàn khu đã có 200 đảng viên và 600 trung kiên với tiêu chuẩn như đảng viên. Sang năm 1955, Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng nhân dân Cách mạng Lào) được thành lập, qua công tác thẩm tra hầu hết số trung kiên đều được kết nạp vào Đảng.”

Bài, ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/vung-vang-khi-tiet-cach-mang-597320