Vững vàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới

Sau ngày sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (24.233,07km2), trải rộng từ Nam Tây Nguyên qua cao nguyên Lâm Viên, rồi xuôi về vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ. Đất đai rộng lớn, quy mô dân số nằm trong top 7 toàn quốc, lại sở hữu những lợi thế vô cùng đặc biệt để mở ra không gian phát triển bền vững, với thành phố Đà Lạt (cũ) - điểm đến thân quen của mọi du khách, cùng những cửa khẩu cảng biển, hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trên tuyến biên giới, bờ biển, bằng ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự cống hiến dẻo dai của người lính Biên phòng, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc, cùng đất nước vững vàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới...

Đại tá Nguyễn Thành Đính trao tặng quà cho bà con trên khu vực biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Đại tá Nguyễn Thành Đính trao tặng quà cho bà con trên khu vực biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Tâm thế "người ở lại"

Sau cuộc cách mạng sắp xếp lại giang sơn, tinh gọn bộ máy, tổ chức cơ quan quân sự địa phương theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có một điểm rất đặc biệt đối với BĐBP các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông trước đây, đó là nhanh chóng sáp nhập với các đơn vị BĐBP tuyến biển, tổ chức Ban Chỉ huy cấp tỉnh và ở lại với mảnh đất đầy nắng gió cao nguyên. Trong khi các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh chuyển về trung tâm hành chính của tỉnh mới thì lính Biên phòng là những người ở lại trấn giữ miền biên ải phía Tây. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cũng như niềm tin của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân dành cho người lính mang quân hàm xanh.

Trong khoảnh khắc “bình minh” của kỷ nguyên mới, chúng tôi có mặt tại phường Nam Gia Nghĩa (tỉnh Lâm Đồng) để cảm nhận bầu không khí làm việc đúng tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh lần thứ nhất, cũng như tâm thế của người lính canh giữ tuyến biên giới biển (BĐBP Bình Thuận) và tuyến biên giới rừng (BĐBP Đắk Nông) hợp nhất với tên gọi mới là BĐBP tỉnh Lâm Đồng.

“Ngay sau khi đón các đồng chí từ tỉnh Bình Thuận (cũ) lên ổn định về tổ chức, chúng tôi một mặt, chỉ đạo các đơn vị cơ sở bám sát biên giới và địa bàn tuyến biển thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; mặt khác, tập trung hoàn thiện các văn kiện, cũng như công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là sự kiện trọng đại, một dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh Lâm Đồng nói chung, lực lượng BĐBP tỉnh nói riêng. Sau ngày sáp nhập, địa bàn quản lý rộng lớn hơn, có cả biên giới đất liền và bờ biển nên nhiệm vụ sẽ trở nên đa dạng, với yêu cầu cao hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, trở ngại do phải thay đổi địa bàn công tác, sống xa gia đình, đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh lần thứ nhất, hướng đến nhiệm kỳ mới của sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà đại hội đã đề ra, xây dựng BĐBP tỉnh Lâm Đồng vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hóa, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, an ninh biên giới quốc gia, vững vàng tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...” - Đại tá Nguyễn Thanh Đính, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, kiêm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Sắt son với "non xanh nước biếc"

Không khí lạc quan, tin tưởng, tâm thế kiên định, vững vàng chính là “gam màu” chủ đạo của người lính BĐBP tỉnh Lâm Đồng trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh lần thứ nhất. Từ biển khơi đến miền rừng núi cao, BĐBP hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông (cũ) sáp nhập với nhau, rồi ở lại với mảnh đất cực Nam Tây Nguyên đầy nắng và gió để khẳng định vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh.

Cán bộ BĐBP tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân làm ăn trên biển. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ BĐBP tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân làm ăn trên biển. Ảnh: Thái Kim Nga

Có thể nói, trong mỗi tấc đất biên cương, mỗi tấc biển mặn mòi, tình yêu dân tộc có những bước chân trải dài trong sự cống hiến và hơi thở nhẹ nhàng, nụ cười thánh thiện của người lính BĐBP tỉnh Lâm Đồng. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh việc triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, phối hợp rà soát điều chỉnh, bổ sung số nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xua đuổi, xử lý hoạt động của tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển, neo đậu trái phép...; BĐBP 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông (nay là BĐBP tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, cảng biển tổ chức kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh, người và phương tiện qua lại, hỗ trợ, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh.

Các đơn vị BĐBP tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng triển khai quyết liệt các văn bản về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, duy trì thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý phương tiện nghề cá, cũng như kịp thời tham mưu cấp trên đề ra các chủ trương, đối sách trong xử lý tình hình trên biên giới, hoạt động của các tổ chức phản động, đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, trong công tác dân vận xây dựng địa bàn, BĐBP tỉnh Lâm Đồng luôn đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn và là chỗ dựa vững chắc nhất của bà con nhân dân trong xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm kỳ vừa qua, BĐBP tỉnh đã phân công 11 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, 16 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 59 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 55 chi bộ thôn, bon biên giới, 267 đảng viên phụ trách 952 hộ gia đình... Những “cánh tay nối dài” này vừa là lực lượng nắm tình hình hình, vừa là nguồn nhân lực giúp đỡ, hỗ trợ quần chúng nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được triển khai sâu rộng từ biển đảo đến non cao với 170 Tổ tự quản an ninh tự quản, 129 Tổ tàu thuyền đoàn kết, tập hợp gần 7.000 lượt người tham gia. Các chương trình, mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững được các đơn vị BĐBP tỉnh triển khai hiệu quả, tạo nên bức tranh tình người sống động, giàu tính nhân văn trên khắp các khu dân cư từ biên giới xuống vùng đồng bằng. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ y tế chăm sóc sức khỏe, tổ chức lễ, tết và các hoạt động văn hóa cho nhân dân, xây tặng mái ấm, nguồn sinh kế cho người nghèo.

Có thể khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, BĐBP tỉnh Lâm Đông vẫn luôn là người đồng hành, kiến tạo, một lòng sắt son với "non xanh nước biếc", vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-vang-tam-the-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post492420.html