Vùng ven Đà Lạt đẩy mạnh trồng cây công nghiệp theo hướng VietGAP

Nông dân các xã vùng ven của Đà Lạt tập hợp nhau lại theo hình thức hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để cùng sản xuất các loại cây trồng như cà phê, hồng, bơ… theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo đầu ra ổn định.

Sản xuất cà phê VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho nông dân

Sản xuất cà phê VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho nông dân

Lợi ích kép

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh khiến cà phê chết nhiều, người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đã làm cho chất lượng cà phê giảm hẳn. Làm thế nào để hạt cà phê ấy thật sự mang lại giá trị cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng là trăn trở của nhiều nông dân. Giải pháp cho vấn đề này là nông dân phải thực hành nông nghiệp tốt để cung ứng ra thị trường những hạt cà phê thật sự ngon và chất lượng nhất.

Ông Lương Trọng Nghĩa, Giám đốc HTX Khải Hoàn (xã Trạm Hành) cho biết, năm 2016, 47 hộ dân có diện tích liền kề nhau (khoảng 100 ha) đã tập hợp lại để sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia VietGAP, nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh từ trồng đến chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối, hợp lý…

Gia đình ông Nghĩa cũng thực hành trồng hơn 3 ha cà phê xen bơ, hồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông cho biết, bên cạnh việc được hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc, được mua phân giá rẻ; nông dân chúng tôi còn được liên kết bán sản phẩm với các đối tác lớn, giá cả vì thế mà cao và ổn định hơn. Ngoài ra, VietGAP cũng là điều kiện đầu tiên để sản phẩm cà phê được cấp thương hiệu cà phê Cầu Đất..

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thiệp (thôn Trạm Hành 2) có 2 ha cà phê, ngay từ năm 2015 anh đã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đây đã giúp anh ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác là The Coffee House để sản xuất cà phê chất lượng cao. Qua đó, anh phải sản xuất cà phê đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình của công ty. Mới đầu thấy yêu cầu đưa ra cao quá, cũng ngại làm, nhưng càng làm càng thấy thích, hạt cà phê mình làm ra có giá trị hơn hẳn. Năm 2016, anh xuất bán cho công ty 1 tấn cà phê, năm 2017 là 2 tấn và những năm về sau tăng dần tùy vào năng lực sản xuất của gia đình. Giá trị cà phê được thu mua gần gấp đôi giá thị trường nên anh quyết tâm duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bởi vừa tốt cho cây cà phê vừa không làm giảm chất lượng hạt cà phê.

Còn tại HTX cà phê Trường Sơn, hiện có gần 10 ha cà phê thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Song Vũ, Giám đốc HTX cho biết, từ sản phẩm cà phê VietGAP đã giúp các thành viên ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số đối tác nước ngoài. Anh cho biết, mỗi đối tác sẽ dựa trên một quy trình khác nhau để cung ứng sản phẩm, nhưng tất cả các quy trình đều dựa trên tiêu chí VietGAP.

Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, người dân được lợi ích kép khi thực hành nông nghiệp tốt VietGAP là vừa tiết kiệm khâu chăm bón vừa nâng cao giá trị cà phê. Hiện tại, xã đang khuyến khích các hộ nông dân trồng và chăm sóc cà phê theo hướng bền vững để giữ gìn được thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất vốn nổi tiếng. Và, việc người dân tập hợp nhau lại để cùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGap cho thấy họ đã thay đổi thói quen và tư duy trong sản xuất.

Mở rộng quy trình VietGAP

Phòng kinh tế Đà Lạt đã tích cực, chủ động phối hợp với đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP. Nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2020, phòng tiến hành hỗ trợ và cấp chứng nhận cho hơn 201 ha. Cụ thể, THT trồng bơ xã Tà Nung 45,9 ha cho 26 hộ; THT trồng cây ăn quả xã Tà Nung 36 ha với 20 hộ; HTX Trường Gia Phát xã Trạm Hành 54,1 ha cà phê, hồng, bơ; THT trồng cây ăn quả thanh niên xã Trạm Hành 21,3 ha của 8 hộ; HTX Trường An xã Xuân Trường 44 ha từ 10 hộ. Khi mở rộng diện tích VietGAP này, góp phần hình thành phương pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững cho các HTX, THT và người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết, để thực hiện chương trình mở rộng diện tích trồng VietGAP đối với các loại cây công nghiệp ở vùng ven Đà Lạt, Phòng chủ trương tập hợp các hộ nông dân ở trong các HTX, THT để thực hiện, qua đây sẽ dễ dàng áp dụng cùng một quy trình sản xuất cũng như sản lượng đủ lớn để cung ứng cho thị trường lớn. Các hộ sẽ tự quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm sản phẩm của mình làm ra. Ngoài ra, tham gia quy trình sản xuất VietGAP là cực kỳ quan trọng và cần thiết nếu nông dân muốn lấn sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng. Bởi khi tham gia sẽ là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và được sử dụng thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành hay thương hiệu cà phê Cầu Đất.

Khi thực hiện chương trình đẩy mạnh sản xuất VietGAP, Phòng Kinh tế tiến hành tập huấn cho người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; đồng thời tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

“Qua thực tế, các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đều đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với giá ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình phù hợp”, ông Cứ cho biết thêm.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/vung-ven-da-lat-day-manh-trong-cay-cong-nghiep-theo-huong-vietgap-3007480/