Vùng Vịnh với tham vọng trở thành siêu cường AI

Trong vài năm qua, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã tiến hành các bước đi quan trọng để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, các nước vùng Vịnh khác, đặc biệt là Ảrập Xêút và Qatar, cũng đang tiếp bước khi đầu tư đáng kể vào công nghệ mới này.

Nguồn: gulfif.org

Nguồn: gulfif.org

Hướng tới vai trò trung tâm về AI trong tương lai

Theo báo cáo từ công ty tư vấn PwC, với dự kiến AI sẽ đóng góp 320 tỷ USD cho Trung Đông vào năm 2030, chiếm 2% tổng lợi nhuận toàn cầu, các quốc gia vùng Vịnh đang cho thấy tham vọng trở thành những thế lực lớn, đóng vai trò trung tâm tương lai trong lĩnh vực AI.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh AI toàn cầu (GAIN) gần đây, được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút từ ngày 10 -12.9, các chuyên gia nhấn mạnh sự sẵn sàng của vùng Vịnh trong việc thúc đẩy quá trình áp dụng AI nhanh chóng. Ông Stephen Anderson, giám đốc chiến lược Trung Đông tại PwC nhận xét, người dân ở đây “đã chuẩn bị tốt hơn nhiều để thử nghiệm và tham gia vào AI so với các khu vực khác trên thế giới”.

Tuy nhiên, sự phát triển của AI đi kèm với thách thức không nhỏ, đáng chú ý là bản chất tiêu tốn nhiều năng lượng của nó, dẫn đến lượng khí thải nhà kính tăng lên nhanh chóng. Google báo cáo rằng, lượng khí thải năm 2023 của họ cao hơn gần 50% so với năm 2019, một phần là do nhu cầu năng lượng của AI. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu năng lượng từ AI, trung tâm dữ liệu và tiền điện tử có thể tăng gấp đôi vào năm 2026. Các quốc gia vùng Vịnh, giàu nhiên liệu hóa thạch nhưng cũng dồi dào các nguồn năng lượng tái tạo, đang ở vị thế độc tôn để giải quyết vấn đề này bằng cách tích hợp phát triển AI với các giải pháp năng lượng bền vững. Theo ông Anderson, đây là khu vực có chi phí sản xuất năng lượng mặt trời thấp nhất thế giới, mang lại cơ hội quan trọng trong việc kết hợp yếu tố bền vững với nhu cầu năng lượng của AI.

Đầu tư và đa dạng hóa AI tại các nền kinh tế vùng Vịnh

Ông Anderson chỉ ra UAE, Qatar và Ảrập Xêút là những nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực vào AI. Sáng kiến “Tầm nhìn 2030” của Ảrập Xêút, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào dầu mỏ, đã thúc đẩy các khoản đầu tư đáng kể vào AI. Theo Cơ quan Dữ liệu và AI của Ảrập Xêút (SDAIA), AI dự kiến sẽ đóng góp 12% GDP của nước này vào năm 2030, với mức tăng trưởng hàng năm là 29%. Các quốc gia khác, như Qatar và UAE, cũng đang đầu tư mạnh vào AI như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Phát triển các công cụ AI đáp ứng cụ thể nhu cầu của khu vực là trọng tâm chính của các quốc gia vùng Vịnh. Đã có những nỗ lực đáng kể trên khắp khu vực để phát triển các mô hình tiếng Ảrập được đào tạo trên nhiều tập dữ liệu cục bộ, nắm bắt được sắc thái của ngôn ngữ theo cách mà các nền tảng như ChatGPT còn thiếu. Năm ngoái, UAE công bố công cụ có tên là Jais, trong khi Ảrập Xêút phát triển chatbot tiếng Ảrập ALLaM. Các công cụ này đang được tích hợp với các nền tảng toàn cầu như Microsoft Azure và Watsonx của IBM, cho phép chúng dễ tiếp cận hơn và có khả năng cạnh tranh hơn trên trường thế giới.

Ông Nick Studer, Tổng giám đốc điều hành của Oliver Wyman Group, nhấn mạnh rằng việc tập trung vào các mô hình tiếng Ảrập kể trên có thể giúp các quốc gia vùng Vịnh cạnh tranh với những thị trường nói tiếng Anh. Việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn dựa trên tiếng Ảrập cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, từ chatbot đến các ứng dụng của Chính phủ và doanh nghiệp, báo hiệu động thái hướng tới việc tạo ra một trung tâm AI trong khu vực.

Thách thức về quản trị

Trong khi các quốc gia vùng Vịnh đang tiến triển nhanh chóng trong quá trình phát triển AI, thì vấn đề quản trị vẫn là mối quan tâm cần chú ý. Sự phát triển nhanh chóng của AI đặt ra nhiều câu hỏi về quyền riêng tư, thay đổi việc làm và an ninh quốc gia, đặc biệt là khi các nền kinh tế trở nên phụ thuộc vào các công nghệ được phát triển bên ngoài. Trong Hội nghị GAIN, các chính sách quan trọng đã được đưa ra, bao gồm hướng dẫn về việc sử dụng công nghệ deep fake một cách có trách nhiệm và Hiến chương Riyadh về AI trong Thế giới Hồi giáo, trong đó nêu rõ sự phát triển có đạo đức của các công nghệ AI theo các giá trị Hồi giáo.

Việc thiết lập các khuôn khổ quản lý chặt chẽ là điều cần thiết để bảo đảm AI được phát triển một cách an toàn và phù hợp với đạo đức. Như ông Studer lưu ý, “điều quan trọng là chúng ta phải có các quy định hợp lý”. Nếu không có sự quản lý phù hợp, khả năng phát triển của AI có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư, mất việc làm hoặc thậm chí rủi ro đối với chủ quyền quốc gia.

Tham vọng trở thành siêu cường AI của các quốc gia vùng Vịnh phản ánh cả mong muốn đa dạng hóa nền kinh tế và vị thế chiến lược của họ với tư cách là những nước đi đầu về năng lượng. Với các khoản đầu tư lớn vào các mô hình tiếng Ảrập và các giải pháp năng lượng bền vững, Ảrập Xêút, Qatar và UAE đang sẵn sàng dẫn đầu khu vực, thậm chí là cả thế giới, về đổi mới AI. Tuy nhiên, khi sự phát triển của AI tăng tốc, khu vực vùng Vịnh cũng phải ưu tiên quản lý có trách nhiệm để giải quyết các thách thức về đạo đức và xã hội mà nó đặt ra.

Linh Anh (Theo CNN)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vung-vinh-voi-tham-vong-tro-thanh-sieu-cuong-ai-post390668.html