Vườn bưởi da xanh của lão nông

78 tuổi nhưng ông Lằm Ón Phúc (thôn Hòa Bình, xã Sông Lũy, Bắc Bình) vẫn hăng say lao động. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Vườn bưởi da xanh của lão nông

 Ông Lằm Ón Phúc hài lòng vì vườn bưởi da xanh phát triển tốt.

Ông Lằm Ón Phúc hài lòng vì vườn bưởi da xanh phát triển tốt.

Đến xã Sông Lũy, khi hỏi về gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và các vườn cây ăn quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã không chần chừ, giới thiệu ngay với chúng tôi về vườn cây trái của ông Lằm Ón Phúc.

Tháng 11, nắng vàng giòn quyện với hương hoa bưởi thoang thoảng, khiến ai cũng thấy dễ chịu, quên đi sự mệt nhọc sau một chặng đường xa. Dưới tán lá xanh thẫm lấp ló những quả bưởi tròn bóng, quả chuẩn bị hái đợi Tết Nguyên đán, có cả những quả đợi ra giêng thu hoạch. Nhìn bước chân nhanh thoăn thoắt, giọng nói vang vang và nụ cười đôn hậu của ông Phúc, không ai nghĩ lão nông đã ở tuổi 78. Ông vui vẻ nói: “Nhờ lao động hàng ngày, tôi vẫn lên rẫy thăm vườn, làm cỏ, chăm sóc cây trái thường xuyên nên sức khỏe được rèn luyện, tinh thần đầu óc vẫn minh mẫn”.

Ông Lằm Ón Phúc là người dân tộc Hoa, vào Sông Lũy sinh sống từ năm 1977. “Thời gian đó vùng đất này còn hoang vu, ai có sức khỏe thì khai phá thêm để sản xuất và chủ yếu trồng hoa màu. Đất ở đây có khả năng thoát nước tốt, là đất thịt nhẹ, còn khu vực đồi núi độ dốc vừa phải. Áp dụng kinh nghiệm trồng trọt ở ngoài Bắc, tôi thử nghiệm trồng cây chanh, song song với trồng bắp. Nhưng sau một thời gian dài chăm sóc, nhưng vườn chanh già cỗi, năng suất thấp phải chặt bỏ. Nhận thấy các tỉnh miền Tây trồng bưởi cho thu nhập cao, cộng thêm nhu cầu lớn từ thị trường, nên gia đình quyết định đầu tư 2 ha bưởi da xanh”, ông Phúc giãi bày.

Sau 3 năm chăm sóc, cuối năm 2018 vườn bưởi của ông Phúc đã cho thu hoạch gần 100 triệu đồng. Hiện đang phát triển xanh tốt hứa hẹn những vụ bội thu. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của lão nông này, bưởi da xanh là giống cây trồng “khó tính”, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật cũng như chăm sóc tỉ mỉ mới cho năng suất cao. Đây là giống ưa ẩm và cần lượng nước dồi dào nên phải tưới đủ nước cho cây, nhất là giai đoạn cây ra hoa và đậu trái, định kỳ cắt tỉa cành. Chú ý một số bệnh như thối lá, thối rễ, các loại sâu hay côn trùng chích hút. Khi đó cắt bỏ những cành sâu bệnh để không ảnh hưởng đến những cành khỏe mạnh và phun thuốc điều trị kịp thời.

Thời tiết nắng nóng, bạn quý lặn lội đường xa tới nhà, bổ một trái bưởi da xanh để chiêu đãi thì còn gì bằng. Cái màu hồng ấy cứ cuốn hút cả khách lẫn chủ. Cả vị thanh ngọt giòn rộp trong miệng khiến cho bưởi da xanh có giá hơn so những giống bưởi khác. Ngày thường đã 40.000 – 50.000 đồng/kg, đến Tết Nguyên đán giá cao gấp đôi.

Không những trồng cây ăn trái, những lúc việc ở vườn ít ông Phúc lại đi hái dược liệu, sao thuốc. Nhờ từ nhỏ đã được người lớn tuổi trong gia đình chỉ bảo một số loại dược liệu. Sau này cha mẹ truyền nghề, nên ông biết cách sao chế và kết hợp các loại cây cỏ để chữa bệnh. Đơn giản như từ cây ngải cứu ông chế ra thuốc điều trị cho rất nhiều phụ nữ trong và ngoài tỉnh. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Đông y thôn.

Chia tay ông Lằm Ón Phúc, rời vườn bưởi da xanh trĩu quả, câu nói của ông khiến chúng tôi nhớ mãi, “Mình là nông dân, chăm chỉ, chịu khó trong lao động sản xuất, đó là cách xây dựng thôn xóm, quê hương thiết thực nhất”.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/vuon-buoi-da-xanh-cua-lao-nong-122655.html