Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Chiều ngày 08/7, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đối thoại chính sách 'Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp'.

Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; cùng tham gia hội nghị có lãnh đạo sở ngành liên quan.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững. Vai trò quan trọng thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống “dựa trên ba nguyên tắc, với thiết kế nhằm: loại bỏ chất thải và ô nhiễm, tuần hoàn sản phẩm và vật liệu (ở giá trị cao nhất), và tái tạo tự nhiên”.

Việt Nam đã thông qua định nghĩa về kinh tế tuần hoàn tại Điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là “mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho biết trong quá trình sản xuất thực phẩm theo hướng tuyến tính, có chi phí đáng kể về môi trường và kinh tế - xã hội. Với mỗi đô la chi cho thực phẩm = xã hội phải trả gấp đôi cho chi phí môi trường, sức khỏe và kinh tế (Nguồn Ellen MacArthur Foundation, 2016). Nếu không thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, thì đến năm 2050, lượng phát thải có thể tăng thêm từ 30 - 40% (IPCC, 2019).

Nông nghiệp ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, an ninh lương thực và sinh kế của Việt Nam. Năm 2022, giá trị gia tăng của ngành nông, lâm, thủy sản đối với nền kinh tế đã tăng thêm 3,36%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 53,53 tỷ USD; 13,9 triệu người làm trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2022, tương đương 27% tổng số người có việc làm trên cả nước (Tổng cục Thống kê, năm 2023).

Việc lạm dụng phân bón và hóa chất, cùng với mở rộng diện tích đất nông nghiệp… đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và suy thoái đất nói chung. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, gây ra 19% lượng phát thải khí nhà kín toàn quốc. Sản xuất lúa gây ra gần một nửa lượng phát thải khí nhà kín trong ngành nông nghiệp và 75% tổng lượng phát thải khí mê-tan toàn quốc. Lượng phát thải khí nhà kín cao, do tưới tiêu, sử dụng phân bón và sử dụng năng lượng không hiệu quả, cùng với việc quản lý kém phế phẩm từ sản xuất lúa gạo và phụ phẩm chăn nuôi…

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội thảo nhằm tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp của Việt Nam với các nội dung: các thực hành khai thác, thâm canh và không bền vững trong ngành nông nghiệp được kêu gọi chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Khung pháp lý của Việt Nam đang đặt nền móng để lồng ghép các thực hành về kinh tế tuần hoàn vào chính sách. Các thực hành về kinh tế tuần hoàn đã có trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác nhau ở Việt Nam. Thu hồi tài nguyên là giải pháp quan trọng để nhân rộng quy mô và mở rộng nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phùng Đức Tiến kêu gọi cộng đồng quốc tế, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của khối tư nhân cùng chung tay hỗ trợ ngành nông nghiệp triển khai 10 mục tiêu, 06 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 540/QĐ-TTg, ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ NN-PTNT chủ trì, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, cơ chế chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.

Tin, ảnh:HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-va-phoi-hop-da-nganh-ve-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-38476.html