Vườn bưởi Tết trĩu quả của lão nông 70 tuổi
Những ngày này, vườn bưởi hơn 4.000 quả của ông Đỗ Văn Quyết, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan đang vào độ chín rực. Cả khu vườn như được nhuộm bởi một sắc màu vàng óng, khiến lão nông yêu vườn càng phấn khởi, mong chờ một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Nằm nép mình bên dòng sông Bôi hiền hòa, khu vườn rộng khoảng 1,5 mẫu của gia đình ông Đỗ Văn Quyết lúc nào cũng xanh mướt các loại cây ăn trái. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, ông hào hứng chia sẻ về đặc tính từng loại cây. Dừng lại ở khu vực vườn bưởi đang chín rực, ông Quyết không giấu nổi được niềm vui khoe: "Năm nay bưởi đẹp hơn mọi năm chị ạ. Quả nào cũng vàng ươm, tròn trịa, quan trọng nhất là không bị rám nắng hay bị côn trùng châm chích". Nói rồi ông nhanh tay chọn một quả bưởi có vỏ vàng óng, nhẵn mịn cho biết thêm: "Mọi năm nhiều quả hay bị ruồi vàng đốt, có những năm thì do ảnh hưởng của thời tiết khiến bưởi bị rám rất xấu, tỉ lệ rụng nhiều. Năm nay khi bưởi vừa lớn khoảng bằng cái chén, tôi mua các túi bọc về để bọc quả, vừa đỡ được sâu bệnh, gió mùa mà hình thức quả nào cũng mọng, đẹp, căng bóng".
Được biết đây là giống bưởi Diễn được đích thân ông Quyết mang từ vùng đất Diễn, Hà Nội về trồng tại gia đình. Hiện cả khu vườn có khoảng 60 gốc bưởi, những gốc lâu năm đã lên tới 20 năm, nhiều gốc khoảng 7-8 năm. Tất cả đều đã cho thu hoạch nhiều vụ, mang đến nguồn thu nhập hàng hàng chục triệu đồng mỗi năm. Cây bưởi chỉ có chiều cao khoảng hơn 2 m nhưng cành la đà, tỏa đều ra xung quanh. Ở mỗi cây, gần trăm quả bưởi đang "vin" vào cành, quả thấp thì chạm đất, quả cao cũng chỉ quá đầu người một chút. "Bưởi cành la, na cành bổng. Bưởi chỉ để cành la thôi thì sẽ sai quả, tốt cây" - vừa bấm những cành thừa, ông Đỗ Văn Quyết vừa chỉ.
Theo lão nông này, trồng bưởi không khó, không mất nhiều công chăm bón. Tuy nhiên, để vườn bưởi ra đúng dịp, quả bưởi mọng, ngon, có chất lượng cao phục vụ ngày Tết thì cần phải lưu ý nhiều kỹ thuật. Cây bưởi Diễn ưa đất có kết cấu xốp, giữ mùn, giữ màu, có khả năng thoát nước; tránh trồng cây ở những vùng đất trống có nhiều gió vì sẽ làm hoa bưởi rụng nhiều, tỷ lệ đậu quả giảm. Bưởi diễn cũng ưa chất mùn từ rơm rạ, các loại phân xanh tận dụng để đắp vào gốc bưởi. Trong quá trình chăm sóc, cần cung cấp nguồn nước tưới thường xuyên, sử dụng phân NPK, phân chuồng để bón theo định kỳ, chú ý sâu bọ hại lá và phát quang cỏ để tạo không gian cho bưởi vươn cành. Khi cây đến tuổi trổ hoa, kết trái, người trồng bưởi cần chú ý chăm sóc để tỉ lệ quả đạt cao, có chất lượng.
Với những người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào các loại cây, con quanh nhà, thì vườn bưởi này chính là nguồn thu nhập mà ông Quyết mong ngóng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Năm nay, mặc dù chất lượng quả bưởi đẹp hơn nhưng ông không khỏi băn khoăn khi giá bưởi thị trường đang "rớt" thê thảm.
"Những năm trước đây khi người ta chưa trồng nhiều bưởi thì vườn của tôi lúc nào cũng được các thương lái tranh nhau thu mua. Thậm chí dù trước Tết nhiều ngày vườn bưởi đã được mua hết. Mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình trồng hơn, đặc biệt là bưởi từ Hòa Bình mang sang khiến giá bưởi giảm. Cụ thể, năm ngoái bán từ 10-15 nghìn đồng/quả đẹp thì nay ông chỉ bán được khoảng 5-7 nghìn đồng/quả. Hi vọng những ngày tới, khi nhu cầu mua bưởi thắp hương, bày mâm ngũ quả dịp Tết tăng cao, giá bưởi sẽ "nhích" hơn một chút. Nhưng kể cả chỉ bán được giá 5-7 nghìn đồng/quả thì người nông dân vẫn có lãi. Với những người cao tuổi như chúng tôi cũng là nguồn thu quý giá rồi."- ông Quyết chia sẻ.
Đi dưới vườn bưởi rợp bóng mát, thoảng trong gió se lạnh có mùi hương bưởi chín thơm lừng len lỏi, quyện hòa; được lắng nghe những chiêm nghiệm về cây, về đời của "lão nông" say vườn là trải nghiệm khiến bất cứ vị khách nào khi đến thăm cũng cảm thấy ý nghĩa, như được sống chậm lại. Hi vọng thị trường bưởi Tết những ngày tới sẽ "ấm" lên, để người nông dân có thêm động lực giữ vững màu xanh và trái ngọt cho núi đồi quê hương.
Bài, ảnh: Minh Hải