Vườn dưa không sửa dép

Xưa, Chu Văn An về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, Nguyễn Trãi về Côn Sơn 'có suối nước trong', hay Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê lập am Bạch Vân 'thu ăn măng trúc, đông ăn giá'. Khiến đời sau nhìn thấy ở các vị những câu chuyện về lòng tự trọng, về phẩm giá, khí tiết quý giá chốn quan trường như một nét đẹp văn hóa khiến người đời cảm kích, nể trọng.

Nhìn xưa để ngẫm nay, thấy các chuyện tham quyền cố vị, chuyến tàu vét, hoàng hôn nhiệm kỳ đều ngược hẳn với những tấm gương tự trọng của tiền nhân. Nào là tiếc nuối không nỡ rời chốn quan trường, rồi khi không thể tiếp tục thì tìm cách thần tốc “trám” vào các vị trí nào cháu nào con nào đồ đệ. Nào tìm cách xin nhà công vụ khi đã hết nhiệm kỳ, khiến dư luận ồn lên thì mới thôi. Ấy là chưa kể khối kẻ bình thường khỏe mạnh, nhưng khi pháp luật sờ đến gáy thì lăn đùng nhập viện, chìa cho tổ chức bệnh án bệnh hiểm nghèo… Những chuyện lồ lộ, thanh thiên bạch nhật ai cũng nhìn thấy mà họ còn dám làm, kể gì những chuyện khác.

Nhớ thời học văn khoa, tôi rất ngại môn Hán Nôm. Vì cách viết ký tự tượng hình đã đành, còn vì các loại đồng âm, đồng nghĩa vô cùng phức tạp. Nhưng câu tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc ( Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) thì cả lớp tôi đều thuộc và viết không sai chữ nào. Không chỉ vì đó là môn của cô giáo chủ nhiệm rất nhiệt tình, mà còn vì các bài học của chúng tôi có nhiều câu chuyện về khí tiết khảng khái của người quân tử, thà không làm, còn hơn làm hại cho dân cho nước; về các danh sỹ yêu nước thương dân cả đời thanh cao, khi triều đình bắt đầu mục ruỗng thì sẵn sàng treo ấn từ quan, về quê ở ẩn. Có lẽ còn vì thời thiếu ăn khốn khó ấy, chúng tôi được thấy những người thầy của mình sẵn sàng nhường áo rét cho sinh viên nghèo, sẵn sàng chia sẻ tiêu chuẩn 13 kg gạo phân phối ít ỏi hàng tháng để thỉnh thoảng gọi trò đến đến nấu cho ăn một bữa cơm trắng, thay vì cơm độn ngô nhà ăn tập thể…

Trong hệ thống chính trị ta hiện nay, cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên đều được học về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, với hàng loạt các bài học về đạo đức công vụ, về pháp luật… Ấy là chưa kể từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, mỗi người đều đã được học những bài học đạo đức về lòng tự trọng. Đến khi vào đại học, cũng có những học trình với số tiết nhất định về đạo đức, tùy trường học, ngành học.

Vậy mà thói tham lam, vô đạo, thiếu tự trọng vẫn tồn tại ở không ít nơi.

Dân gian có câu “vườn dưa không sửa dép” ngụ ý nói về sự quang minh chính trực, đề cao lòng tự trọng của con người. Nguyên văn câu này là Qua điền bất nạp lý/ Lý hạ bất chính quan (Đi qua vườn dưa không sửa dây giầy, đi dưới giàn mận không sửa mũ). Ý nói người quang minh chính trực không làm những việc gây nghi ngờ sai quấy, nhất là khi ở vào hoàn cảnh dễ dàng đạt được lợi lạc, càng cần giữ cho mình trong sáng.

Những năm đầu cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã viết Con cá, chột nưa ca ngợi những chiến sĩ cách mạng bị cầm tù trong nhà lao, vật lộn, giằng co giữa cái đói và danh dự, lý tưởng của người cộng sản. Cuộc đấu tranh ấy âm thầm, quyết liệt giữa tiếng gọi của bản năng tầm thường và lý tưởng cách mạng cao cả. Dẫu có lúc tự nhủ ăn đi vài con cá/ dăm bảy cái chột nưa/ Có ai biết ai ngờ/ Thế vẫn tròn danh dự, nhưng cuối cùng họ đã chiến thắng, vì họ kiên quyết Phải trải lòng chân thật/Không một nét quanh co/Không một bóng lờ mờ/ Không một nhăn ám muội!

Tinh thần vượt qua cám dỗ từ con cá, chột nưa trong bữa cơm tù của người cộng sản những ngày đầu cách mạng nay càng cần được những người “qua vườn dưa, dưới giàn mận” ngày ngày rèn luyện, mới mong thắng được lòng tham lam vật chất vinh hoa. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì thiếu thốn vật chất đều không đáng gì so với thiếu thốn về nhân cách và phẩm giá. Luôn nhớ và thực hành lời khuyên của cổ nhân khi qua vườn dưa chính là cách để được tôn trọng.

Hà Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/goc-nhin/vuon-dua-khong-sua-dep-135904.html