Chủ nhân ruộng dưa lê đó là anh Hoàng Văn Đông, dân bản Luông Mé (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Sau khi trồng thử nghiệm thành công hơn 600m2 dưa lê trên đất trồng lúa, anh Đông đã mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng dưa lê lên hơn 2.500m2.
Trao đổi với Dân Việt, anh Đông phấn khởi nói: "Vụ Đông Xuân năm ngoái, tôi đưa giống dưa lê vào trồng thử nghiệm trên đất trồng lúa. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, tôi đã thu hoạch dưa bán ra thị trường. Vì thu vào dịp Tết Nguyên đán nên dưa lê bán được giá. Chỉ vỏn vẹn hơn 600m2 mà tôi thu hơn 40 triệu đồng từ bán quả dưa lê chín ra thị trường".
Cũng theo anh Đông, giống dưa lê anh trồng là giống dưa lê Kim Hồng Vương. Giống dưa này có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan. Khi chín có đặc điểm vỏ vàng, thịt trái màu vàng cam, ăn có vị ngọt đậm, giòn và rất thơm. Phấn khởi vì trúng đậm vụ dưa đầu tiên, năm nay anh Đông quyết định nhân diện tích trồng dưa lê lên hơn 2.500m2. Anh trồng dưa lê trên 3 mảnh ruộng trồng lúa từ nhiều năm nay.
Giữa tháng 2/2020, sau khi làm đất tơi xốp, lên luống, cuốc hốc, bỏ phân chuồng ủ hoai mục, anh Đông đưa cây dưa lê giống vào trồng. Mỗi ruộng dưa anh Đông trồng cách nhau từ 10-15 ngày, để thuận tiện cho việc thu hoạch cũng như bán ra thị trường.
Theo anh Đông, kĩ thuật trồng, chăm sóc dưa lê khá đơn giản. Nếu trồng và chăm sóc trong nhà màng thì cây dưa lê sẽ sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Khi cây dưa lê bắt đầu đẻ nhánh, anh bón thúc bằng phân NPK, kích thích chúng đẻ nhánh nhanh hơn, nhiều hơn. Đến lúc ruộng dưa lê ra hoa, kết trái, anh cho chúng “ăn” thêm phân 1 lần nữa. Lần này, anh tăng tỷ lệ ka li để tạo độ đường cho quả dưa khi thu hoạch. Ngoài bón phân theo từng thời kì phát triển của cây dưa lê, anh Đông đặc biệt chú ý đến việc phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho ruộng dưa của gia đình.
Trồng dưa lê cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Thời gian cho thu hoạch lại nhanh, từ khi trồng dưa lê đến khi được thu quả chỉ kéo dài khoảng 80 ngày./.
Theo Văn Chiến - Hà Hoàng/Dân Việt