Vườn dưa lưới công nghệ cao đầu tiên ở Đam Rông
Ít ai nghĩ rằng ở vùng đồi núi vốn chỉ thích hợp để trồng cà phê như Đam Rông lại là nơi bén rễ cho những trái dưa lưới thơm lừng, đẹp mắt.
Người làm được điều này chính là anh Phí Văn Thìn - một trong những người đầu tiên xây dựng nhà kính, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở thôn Trung Tâm (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông).
Anh Thìn vốn là cán bộ 30a của xã Phi Liêng, sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp cùng công tác giảm nghèo, anh và gia đình mạnh dạn đưa ra một quyết định táo bạo, đó là làm nông nghiệp trong nhà kính. Từ năm 2017, nhiều loại rau như cà chua, ớt chuông, dưa leo baby… lần lượt được anh đưa về trồng, cho thu nhập ổn định từ 100 – 120 triệu/sào mỗi năm. Giữa năm 2020, anh Thìn bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng mới, trong đó có dưa lưới Sakata của Nhật Bản.
Đây là giống dưa có hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng hiện đang được thị trường ưa chuộng. Anh tận dụng giá thể, dây cột từ vụ ớt trước đó để xuống giống 4,5 sào, chia thành nhiều đợt để tiện chăm sóc và thu hoạch. Theo anh Thìn, điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực Phi Liêng thích hợp với nhiều loại cây trồng.
Ngay từ lúc bắt đầu, anh Thìn đã tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về giống dưa lưới cũng như các công nghệ cần thiết để cho ra trái dưa chất lượng cao nhất. Tất cả quy trình đều được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Mỗi cây chỉ giữ lại một trái và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như phòng tránh dịch bệnh.
Thời điểm lựa chọn để xuống giống dưa lưới cũng là cao điểm mùa mưa trên địa bàn, tuy nhiên, anh Thìn xác định đây là lần trồng thử nghiệm, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Thực tế vì trời mưa liên tục nhiều ngày, độ ẩm cao đã gây ảnh hưởng không ít đến quá trình sinh trưởng của cây.
“Năng suất ước đạt 5 tấn/sào. Nếu trồng vào mùa nắng thì chắc chắc năng suất sẽ cao hơn. Nhưng ở thời điểm khó khăn nhất mình cũng trồng được thành công thì ở những vụ sau, mình có nhiều kinh nghiệm hơn, điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng” - anh Thìn chia sẻ.
Tuy quy trình chăm sóc khắt khe và vất vả hơn nhưng sản phẩm hiện đang được thị trường ưa chuộng, đầu ra được ký kết với đơn vị tiêu thụ ngay thời điểm xuống giống. Toàn bộ sản phẩm được anh hợp đồng với 1 đơn vị ở Bình Dương thu mua với giá 25.000 đồng/kg, trọng lượng mỗi quả dưa nặng từ 1,5 – 2,5 kg. Với diện tích hiện có, tổng sản lượng thu được ở mùa vụ đầu tiên vào khoảng 20 tấn.
“Mình tận dụng giá thể từ mùa vụ cũ và đã thành công khi xử lý sạch mầm bệnh, nhờ vậy cũng tiết kiệm chi phí đầu tư. Dù giá cả chưa thực sự đạt nhưng việc thử nghiệm mà thành công như thế này thì mình lại học được nhiều điều, rút ra kinh nghiệm khi xử lý các vấn đề khác mà có thể áp dụng vào trồng ớt, cà chua hay bất cứ cây trồng nào khác sau này”- anh Thìn chia sẻ thêm.
Đầu tháng 10/2020, Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng do anh chịu trách nhiệm cũng chính thức được thành lập. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cũng đánh giá rất cao sự mạnh dạn của anh và gia đình trong việc đi đầu sáp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng sẽ là nơi được ngành nông nghiệp Đam Rông chọn để thí điểm mô hình ứng dụng thiết bị cảm biến tự động vào sản xuất để cải thiện và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nhà kính.