Vươn lên giữa đời thường
VÀO năm 1984, chiến sỹ Tô Trọng Bôn cùng 6 người đồng đội bị phục kích khi đang đi tuần tra tại tuyến biên giới phía Bắc, mìn phát nổ, 2 người hy sinh, 3 người bị thương trong đó có ông Bôn. Dù ngày ấy bị thương nhưng sau khi chữa trị ông vẫn tiếp tục ở lại quân ngũ, đến tháng 7-1987 ông xuất ngũ trở về địa phương với tổn thương 54% sức khỏe, là thương binh hạng 3/4.
Trở về quê nhà Vĩnh Phúc với hai bàn tay trắng, ông trăn trở tìm cách làm kinh tế, thời điểm ấy Tuyên Quang đang là một vùng đất màu mỡ, cần người khai phá, ông quyết định lên đây lập nghiệp. Ngày mới lên, ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ nuôi gà, nuôi vịt, trồng rừng.
Năm 1988, ông lấy vợ, 2 vợ chồng bàn nhau làm kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đào ao nuôi cá đặc sản, nuôi vịt chăn thả bán tự nhiên. Mô hình trên đã giúp vợ chồng ông có thu nhập cao ở địa phương, có vốn ông đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ và tạo tác đồ thủ công mỹ nghệ, tạc tượng. Đến nay, tuổi đã ngoài 60, cơ nghiệp mà 2 ông bà cùng nhau xây dựng đã vô cùng vững chắc, tạo tiền đề để ông tham gia các công việc thiện nguyện ấp ủ từ ngày còn trẻ.
Ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm, người dân trong thôn, trong xã đã quen với hình ảnh một người thương binh đi tặng quà cho đồng đội, cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Những người lính trở về từ chiến trường như ông Bôn luôn tâm niệm, đồng đội cùng kề vai chiến đấu cũng giống như cốt nhục tình thân, trong gian khó, trong đời thường cần kề vai sát cánh bên nhau. Bên cạnh những phần quà, lời thăm hỏi, động viên, thương binh Tô Trọng Bôn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho đồng đội và những người xung quanh với mong muốn xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
CHIẾN tranh ác liệt khiến ông bị hỏng 1 bên mắt và bàn tay không còn lành lặn nhưng người thương binh hạng 2/4 Bùi Đức Xuân, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương luôn nỗ lực, phấn đấu trở thành một tấm gương trong phát triển kinh tế và luôn hết mình vì cộng đồng.
Năm 1978, sau một thời gian điều trị, ông Bùi Đức Xuân xuất ngũ trở về địa phương. Với thương tật trong người, ông vượt khó nỗ lực lao động, làm kinh tế để đưa gia đình thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Sau nhiều năm cố gắng, gia đình ông hiện nay đã có gần 10 ha rừng keo và kinh doanh dịch vụ thức ăn chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Giờ đây tuy cuộc sống đã đủ đầy nhưng ông vẫn tự mình lên rừng trồng cây, xới đất, rẫy cỏ. Đôi mắt, đôi tay không lành lặn nhưng không thể làm nhụt đi ý chí của người thương binh cao tuổi. Ông Xuân chia sẻ, “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm…". 2 câu thơ trên là điều mà ông luôn tâm niệm bởi chỉ cần có ý chí, có nghị lực vươn lên, bằng sức lao động của bản thân ta có thể chiến thắng mọi gian khó, những rừng keo bạt ngàn xanh tươi nơi nào cũng có dấu chân ông ngày ngày chăm sóc.
Vừa qua, tuyến đường liên xã Thiện Kế, Hợp Hòa với Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương thuộc tuyến ĐT 185 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi của người dân, trong đó có gia đình thương binh Bùi Đức Xuân. Để tuyến đường hoàn thiện, khang trang, gia đình ông đã gương mẫu, tự nguyện hiến gần 2.000m2 đất của gia đình, phá bỏ tường rào, diện tích rau màu để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Từ sự tiên phong gương mẫu hiến đất với diện tích lớn của gia đình ông Xuân, những hộ dân khác cũng đã noi theo. Nhờ vậy, quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng con đường giao thông nông thôn của xã diễn ra nhanh chóng, tạo thuận lợi cho bà con thông thương phát triển kinh tế.
Hôm nay, đi trên đường mới thênh thang, người dân địa phương luôn dành sự tin yêu, cảm phục cho người thương binh Bùi Đức Xuân, ông là minh chứng cho lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Ởtuổi 74, ông Trần Đoàn Kết xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn vẫn được những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong xã, trong huyện nể phục vì suốt nhiều năm qua ông đã dành thời gian, công sức, tiền bạc chăm lo cho những nạn nhân da cam, những người mang trong mình nỗi đau của thời chiến mà có lẽ còn rất lâu nữa những nỗi đau này mới nguôi ngoai.
Bản thân ông Kết cũng là nạn nhân của chất độc da cam, chất độc ấy theo ông từ chiến trường Thừa Thiên Huế khi ông là người lính thông tin vào những năm 70 của thế kỷ trước. Năm 1976 ông trở về địa phương rồi lấy vợ, sinh con, may mắn, cả 3 người con đều không bị di chứng của chất độc hóa học, lớn lên khỏe mạnh, trở thành những người công dân tốt. Bản thân ông, gần đây sức khỏe mới yếu dần, đầu năm nay, do sức khỏe không cho phép, ông mới xin thôi giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã.
Ông Kết cho biết, ở trong xã bây giờ chỉ còn 10 nạn nhân, mỗi năm lại có thêm người ra đi vì bệnh tật và di chứng của chất độc, ông còn khỏe ngày nào sẽ cố gắng để quan tâm đến mọi người ngày ấy. Mỗi dịp lễ, tết ông đều đứng ra kêu gọi, vận động các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm chung tay quyên góp ủng hộ các nạn nhân. Cứ thế, ông trở thành điểm tựa về tinh thần cho những nạn nhân trong xã.
Không chỉ làm tốt công tác hội, ông Trần Đoàn Kết luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, với ông, để mọi người học và làm theo thì trước hết bản thân mình phải làm gương, mình làm được thì các hội viên khác mới tin tưởng để từ đó phát huy năng lực của bản thân.
Ông là một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ ở xã Chân Sơn. Sau 6 năm, hiện ông có 70 trụ thanh long cho thu hoạch đều đặn, mỗi năm thanh long ra khoảng 6 đợt quả, chất lượng tốt. Có lẽ ít ai ngờ giống quả đặc sản này lại được chính những người lính là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đem về và trồng thành công ở xã. Đến nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã được nhân rộng và trở thành giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Chân Sơn.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn đang tiếp tục chiến đấu trên một chiến trường mới, đó là cuộc chiến làm kinh tế để đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Chính vì vậy, giữa đời thường những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn ngời sáng để lớp lớp con, cháu học tập và noi theo.
Bài, ảnh: Minh Hoàng