Vươn lên từ điểm tựa lịch sử
Đồn Phố Ràng giờ là nơi thiêng liêng để những người dân Bảo Yên hôm nay soi rọi lại lịch sử hào hùng của cha anh và tìm động lực chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Ký ức không quên
Những ngày tháng 6 lịch sử đối với ông Hoàng Kim Chúng ở xã Lương Sơn (Bảo Yên) - người du kích từng tham gia dẫn đường cho bộ đội tấn công giải phóng Đồn Phố Ràng - thật đặc biệt bởi ký ức của trận đánh năm xưa luôn hiện về trong ông như mới vừa diễn ra.
Bước từng bậc lên Di tích lịch sử Đồn Phố Ràng, thắp nén nhang tưởng nhớ những liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh lịch sử ấy, ông Chúng bảo có những người ông chưa gặp bao giờ nhưng mỗi khi thắp hương cho họ, ông như cảm nhận được từng người lính trẻ năm xưa đang trở về trò chuyện cùng mình. Tấm bia đá ghi danh những người hy sinh trong trận đánh Đồn Phố Ràng được đặt trang trọng trên đỉnh đồi - nơi trước đây là sở chỉ huy của địch. Dấu vết của đồn bốt, hầm hào dù phủ đầy rêu phong nhưng vẫn còn nguyên hình dạng để du khách có thể hình dung ra một trong những công sự được thực dân Pháp bố phòng kiên cố và chắc chắn hòng kiểm soát các cung đường quan trọng.
Chỉ vào từng gốc cây, phiến đá, ông Chúng mô tả lại vị trí nhà chỉ huy địch, ụ súng, cửa hầm và tường rào thép gai - nơi nhiều chiến sỹ của ta đã phải mở đường máu để tiến lên, xương máu của họ mãi hòa vào từng tấc đất, ngọn cỏ ở mảnh đất lịch sử này. Ông Chúng nhớ lại, đúng 6 giờ chiều 24/6/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn áp chế các ụ súng. Quả pháo đầu tiên bắn trúng ngay đài chỉ huy địch làm chúng mất liên lạc để xin ứng cứu bằng bộ binh và quân nhảy dù. Tiếp đó, theo hiệu lệnh, bộ đội thuộc Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) tấn công quân địch. Ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào, từng lô cốt và ụ súng. Từ 3 hướng, các mũi xung kích của ta tiến công chia cắt quân địch ra từng bộ phận để tiêu diệt. Không thể chống cự nổi, địch hoảng loạn và rút chạy xuống bờ suối Ràng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế kiên cường, đúng 8 giờ ngày 26/6, quân ta làm chủ trận địa, bắt được tên quan Ba là chỉ huy Đồn.
Chiến thắng Phố Ràng có ý nghĩa quan trọng, phá vỡ một mắt xích trong tuyến phòng thủ Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, đẩy nhanh sự tan rã của địch, tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phố Lu và tiến đánh đồn Nghĩa Đô, góp phần đưa Chiến dịch Sông Thao toàn thắng.
Đổi mới trên quê hương cách mạng
Đến thị trấn Phố Ràng hôm nay, mỗi công trình được xây dựng đều thấy ở đó những chứng tích lịch sử. Tại vị trí cổng Đồn Phố Ràng đang được xây dựng là cây cầu Hạnh Phúc mới khánh thành nối đôi bờ sông Chảy và cũng thật trùng hợp khi đầu bên kia là cao điểm 224 - trận địa pháo cách đây 70 năm quân ta giáng những đòn đầu tiên vào khu đồn địch. Từ cao điểm ấy, men dọc sông Chảy giờ là màu xanh của những đồi keo, mỡ, quế... Những bãi bồi màu mỡ ven sông là mô hình nông nghiệp hàng hóa cho thu nhập cao đang được huyện xây dựng, như nuôi trâu, gà thả đồi, trồng dâu tằm, trồng sả và cây ăn quả… Đây cũng chính là những cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện Bảo Yên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Phía bên này sông, xung quanh Đồn Phố Ràng là trung tâm huyện lỵ đang thay da đổi thịt từng ngày với nhiều ngôi nhà tươi màu sơn mới, những tiểu khu đô thị được quy hoạch hiện đại; tuyến Quốc lộ 279 và Quốc lộ 70 qua thị trấn cũng là những con phố chính của thị trấn - nơi hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Từ hoang tàn, đổ nát, phát huy sức mạnh nội lực của mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, các thế hệ lãnh đạo huyện Bảo Yên luôn kế thừa, tập hợp sức mạnh của nhân dân các dân tộc địa phương để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Tự hào với truyền thống quê hương
Gấp rút chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 chiến thắng Phố Ràng, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh, đoàn viên, thanh niên, dân quân tham gia đổ bê tông, dọn vệ sinh, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan trên khuôn viên Đồn Phố Ràng. Chị Phạm Thị Phượng, Bí thư Chi đoàn 5, thị trấn Phố Ràng dù đã nhiều lần tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn Thanh niên thị trấn tổ chức nhưng cảm xúc những ngày tình nguyện chỉnh trang Đồn Phố Ràng thật đặc biệt. Phượng tâm sự rằng ở đây mỗi phiến đá, ngọn cỏ đều mang một câu chuyện riêng và khi chạm vào chúng, ta lại thấy như được chạm vào một phần lịch sử. Xúc động và tự hào khi được tham gia vào những phần việc quan trọng góp phần cho lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phố Ràng, Phượng cũng như các đoàn viên ở thị trấn Phố Ràng luôn quyết tâm phấn đấu luyện rèn để xứng đáng là những người con của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
Tranh thủ những phút giải lao, đoàn viên, thanh niên lại được nghe cựu chiến binh Vũ Hồng Hiền, người quản lý Khu Di tích lịch sử chiến thắng Đồn Phố Ràng kể chuyện lịch sử. Ông Hiền là cựu chiến binh chống Mỹ, ngày còn nhỏ, ông đã được nghe nhiều câu chuyện về sự dũng cảm, hy sinh của những người lính xung kích đánh Đồn Phố Ràng. Những câu chuyện ấy theo ông suốt năm tháng học phổ thông, vào tận chiến trường và trở thành động lực để ông vượt qua bao gian nan nguy hiểm. Giờ đây, ông lại được mang những câu chuyện lịch sử vẻ vang của đất quê hương để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.
Lần này lên Đồn Phố Ràng cùng Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Ràng Trần Bá Đường, chúng tôi không đi hướng cũ từ Quốc lộ 70 mà theo cổng mới đang được xây dựng phía bờ sông Chảy. Ông Đường bảo vị trí cổng mới không chỉ đảm bảo yếu tố kỹ thuật và khang trang hơn mà đó còn là hướng tấn công chính của quân ta khi tiếng pháo lệnh vang lên tối 24/6/1949. Nói vậy để thấy, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đang nỗ lực trả Di tích lịch sử chiến thắng Đồn Phố Ràng về đúng với không gian lịch sử. Kinh phí dành cho công tác cải tạo, chỉnh trang di tích chưa nhiều nên địa phương càng phải làm cẩn trọng từng hạng mục. Nhiều năm sưu tầm tài liệu về lịch sử Đảng bộ thị trấn Phố Ràng giúp ông Đường hiểu hơn giá trị của chiến thắng Phố Ràng. Theo ông, đây là một phần lịch sử của thị trấn Phố Ràng, bởi vậy thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm gìn giữ.
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên - Dương Đức Huy khẳng định: Di tích lịch sử chiến thắng Đồn Phố Ràng có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư để nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/vuon-len-tu-diem-tua-lich-su-z5n20190624082749513.htm