Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết 'Vươn mình trong hội nhập quốc tế'. Báo Người Lao Động trân trọng trích đăng bài viết quan trọng này

Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, hội nhập và phát triển của đất nước luôn gắn liền với những biến chuyển của thời đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong bức thư gửi tới Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tinh thần là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, bày tỏ mong muốn "thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực". Đây có thể được coi là "bản tuyên ngôn" đầu tiên về cách tiếp cận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cộng đồng quốc tế.

Tư tưởng "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" đó đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong 80 năm qua, luôn gắn cách mạng nước ta với trào lưu tiến bộ của thời đại và sự nghiệp chung của nhân loại.

Nghị quyết 59/2025: Quyết sách đột phá (*)

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế. Nói cách khác, hội nhập quốc tế là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại", gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới.

Đảng đã đề ra chủ trương hội nhập quốc tế, trước là hội nhập kinh tế, sau là hội nhập toàn diện để khơi thông, mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế.

Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" là "quyết sách đột phá", đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.

Đảng ta xác định hội nhập quốc tế là chiến lược quan trọng nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế giới. Hội nhập quốc tế đã từng bước phát triển qua các thời kỳ, từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ, hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu đến "hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện" hiện nay…

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Tập đoàn YTL Tan Sri Francis Yeoh vào sáng 23-11-2024 tại thủ đô Kuala Lumpur, nhân chuyến thăm chính thức Malaysia. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Tập đoàn YTL Tan Sri Francis Yeoh vào sáng 23-11-2024 tại thủ đô Kuala Lumpur, nhân chuyến thăm chính thức Malaysia. Ảnh: TTXVN

Trong 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử. Từ một đất nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất...

Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, nhất là 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các chủ trương hội nhập quốc tế vẫn còn những điểm chưa thực sự như mong đợi, chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển. Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức và mặt trái…

"Bộ ba chiến lược"

Đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử. Kế thừa những giá trị đã được khẳng định, Nghị quyết 59 đã nắm bắt được dòng chảy của sức mạnh thời đại và "nâng tầm" hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao.

Trước hết, cùng với quốc phòng, an ninh, "đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế" là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu, thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, trong nhận thức, hội nhập quốc tế phải là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và đối tượng thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan.

Thứ ba, hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với tranh thủ ngoại lực. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để đảm bảo tính chủ động, độc lập, tự cường nhưng đồng thời cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

Thứ tư, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, "hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác. Chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng". Đồng thời, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong hội nhập, phải thể hiện đúng tinh thần "đối tác tích cực, có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới.

Thứ năm, hội nhập quốc tế phải mang tính chất "đồng bộ, toàn diện, sâu rộng", trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.

Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển. Cùng với "tinh thần đổi mới" về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Nghị quyết 18; "tư tưởng đột phá" về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Nghị quyết 57; định hướng về hội nhập quốc tế là "cẩm nang hành động" của Nghị quyết 59 sẽ tạo nên "bộ ba chiến lược" trong trọng tâm "Ổn định lâu dài - Phát triển bền vững - Đời sống nâng cao" do Đảng đã vạch ra.

Giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta cần triển khai quyết liệt và hiệu quả theo các hướng sau:

Một là, tư duy, nhận thức và hành động mới trong hội nhập quốc tế phải được quán triệt sâu rộng, đi vào cuộc sống.

Hai là, hội nhập kinh tế được xác định là trung tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số.

Ba là, hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng phải hướng tới mục tiêu nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.

Bốn là, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực phát triển nhanh lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất theo tinh thần của Nghị quyết 57.

Năm là, đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hóa, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác.

Sáu là, khắc phục điểm nghẽn về thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách.

Bảy là, phát huy tinh thần của Nghị quyết 18 trong hội nhập quốc tế, kiện toàn các cơ quan chuyên trách theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp.

Cuối cùng, hội nhập quốc tế chỉ thành công khi hội nhập trở thành văn hóa tự giác của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương; phát huy được vai trò trung tâm, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của cả người dân, doanh nghiệp, địa phương trong gắn kết hội nhập quốc tế và hội nhập trong nước, kết nối giữa các vùng miền, địa phương, kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, kết nối giữa nghiên cứu và triển khai… để đưa hội nhập thành các kết quả cụ thể.

Bước chuyển quan trọng

Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Những thành quả của hội nhập cho đến nay đã góp phần tích lũy thế và lực cho sự bứt phá tiếp theo.

Tiếp nối tinh thần đó, Nghị quyết 59 đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, tạo động lực đưa đất nước tiến tới đài vinh quang của độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn thịnh, trường tồn.

(Mời xem toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm trên Báo Người Lao Động điện tử - nld.com.vn)

(*) Tít phụ trong bài do Báo Người Lao Động đặt

Tổng Bí thư TÔ LÂM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te-196250403204505952.htm