Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Hướng đến du lịch xanh, phát triển bền vững
Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với lợi thế là vùng lõi, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn, quản lý bền vững thiên nhiên. Đây cũng là bước ngoặt mở ra triển vọng đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.
Cơ hội phát triển
Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích 413.511 ha bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của một số huyện. Toàn bộ khu dự trữ sinh quyển được khoanh thành 3 vùng chức năng gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
Theo ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Vườn có diện tích 41.913,78 ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều loài cây quý hiếm, đường kính lớn, các loài động vật hoang dã nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Các loài động-thực vật ở đây rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Có thể kể đến các loài thực vật như: trầm hương, sao hải nam hay động vật gồm voọc chà vá chân xám, khướu Kon Ka Kinh, vượn đen má hung Trung Bộ, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng… Việc UNESCO công nhận cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mở hướng phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng…, qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt dựa vào cộng đồng.
“Đây là vinh dự lớn của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước công tác bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị di sản nhân loại cho thế hệ mai sau. Với lợi thế là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đứng trước cơ hội thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các hoạt động huy động, tiếp cận nguồn lực quốc tế và quốc gia để thực hiện chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa; khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”-ông Thắng khẳng định.
Hiện nay, Vườn đã khảo sát và bước đầu đưa vào khai thác một số tuyến du lịch như: tham quan quần thể cây đa cổ thụ; trạm nghiên cứu động vật; khám phá thác HNgoi; tham quan vườn thực vật, trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; chinh phục đỉnh Đá Trắng; khám phá tìm hiểu cây thông năm lá cổ thụ; khám phá thác Kon Bông; chinh phục thác 95. Đặc biệt, hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh sẽ là tuyến khám phá có sức hấp dẫn đối với du khách. Cùng với đó, đơn vị mời các công ty lữ hành trong nước và khu vực đến khảo sát, kêu gọi liên doanh, liên kết đầu tư phát triển du lịch.
Giữ gìn và bảo tồn
Bên cạnh việc khẳng định về những giá trị đa dạng sinh học của khu sinh quyển, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng đứng trước những khó khăn, thách thức lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển, đảm bảo môi trường sống bền vững trên cơ sở khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái mà không làm tổn hại đến môi trường.
Theo Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai đã tạo ra nhiều áp lực xâm hại lên rừng. Mặt khác, diện tích rừng rộng lớn, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, lực lượng quản lý bảo vệ rừng lại mỏng, thiếu nhân lực chính quy khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, không tránh khỏi việc xảy ra vi phạm. Trong khi đó, thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của lực lượng làm công tác bảo vệ rừng còn thấp, áp lực công việc cao, phải làm việc luân phiên ngày lẫn đêm, bất kể mưa bão; cao điểm mùa khô phải trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ… Nhiều cán bộ không chịu được áp lực đã xin nghỉ việc.
Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, tận dụng lợi thế vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Hiện đơn vị đang thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 26 nhóm hộ thuộc 18 cộng đồng thôn, làng đồng bào Bahnar sinh sống gần rừng với tổng diện tích 17.950 ha, đơn giá bình quân 350.000 đồng/ha/năm. Thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng giúp người dân cải thiện đời sống, gắn bó hơn với rừng.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ cộng đồng vùng đệm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên rừng cho các em học sinh tại các thôn, làng vùng đệm trên địa bàn. Ông Thắng cho rằng: “Khi các lợi ích được đảm bảo, đời sống kinh tế tăng cao và nhận thức của người dân được cải thiện thì áp lực của cộng đồng địa phương lên tài nguyên rừng ở các khu vực bảo vệ sẽ giảm xuống, giá trị đa dạng sinh học được duy trì và phát triển”.
Đặc biệt, việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã tạo điều kiện để đơn vị từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tour, tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng tăng của du khách. Đồng thời, nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học bằng việc tổ chức tốt công tác nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái nhằm từng bước nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và ổn định đời sống người dân vùng đệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của khu vực.