Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát: Có khoảng 1.400 cá thể gà lôi hông tía
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vừa phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện đề tài 'Khảo sát hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài quý hiếm gà lôi hông tía ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát'. Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 1.400 cá thể gà lôi hông tía tại đây.
Qua khảo sát thực địa, số liệu của 90 máy bẫy ảnh, phỏng vấn ngẫu nhiên 200 người dân ở các xã vùng đệm của vườn cho thấy sự hiện diện của gà lôi hông tía phân bố không đều. Khu vực phía Tây Nam của vườn có số lượng cao hơn so với các khu vực khác trong vườn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng sự hiện diện của con người trong rừng có ảnh hưởng đến phân bố và số lượng cá thể của nhiều loài. Hình ảnh từ máy bẫy ảnh cho thấy con người xuất hiện trong khu vực nghiên cứu thường đi cùng với súng săn, chó săn và các lâm sản ngoài gỗ.
Gà lôi hông tía thuộc chi Lophura- một chi động vật trong họ trĩ (Phansiani dae), phân bố ở Việt Nam, Lào, Thái Lan. Gà lôi hông tía được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), Danh lục đỏ IUCN (1996, 2000), Sách đỏ chim châu Á, Nghị định 18/HĐBT (1992), Nghị định 48 /NĐ-CP (2002). Thân hình gà lôi hông tía có kích thước 61- 81cm, chân và da mặt có màu đỏ.
Chim đực có đầu và họng màu đen; trên đầu có mào lông dài màu xanh ánh thép; phần dưới lưng màu vàng kim; hông và lông bao đuôi màu hạt dẻ; đuôi cong và dài có màu xanh ánh thép; cổ và ngực màu xám; bụng màu đen. Chim cái có đầu, họng và cổ màu nâu xám; lưng trên và phần dưới cơ thể nâu hung; bụng màu trắng nhạt; phần còn lại của trên cơ thể có vằn rộng đen và trắng phớt nâu. Đây là loài định cư sinh sống ở các khu rừng nguyên sinh, thứ sinh và vùng nương rẫy, nhất là các khu rừng cây họ dầu. Hiện nay số lượng cá thể ít, đang được bảo vệ tích cực tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia.
Qua thực tế thực khảo sát, nhóm thực hiện đề tài đề xuất giải pháp bảo tồn loài quý hiếm gà lôi hông tía ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cụ thể như: các đội bảo vệ rừng của Vườn quốc gia cần tăng cường tần suất tuần tra bảo vệ rừng trên toàn bộ địa bàn quản lý của từng đội và phân chia thời gian tuần tra hợp lý giữa ban ngày với ban đêm, nhằm hạn chế tối đa người dân xâm nhập vào rừng trái phép. Đặc biệt, vào mùa sinh sản, từ lúc ghép đôi đến thời kỳ ấp trứng của gà lôi hông tía (khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm), cần tăng cường tuần tra nhiều hơn để hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của loài gà này.
Ông Huỳnh Hữu Phương, cán bộ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm thực hiện đề tài đưa ra chương trình bảo tồn gen loài gà lôi hông tía tuần tự theo các bước: Bước 1, giai đoạn 2020- 2025: thuần hóa và cho sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt gà lôi hông tía tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Sau khi loài động vật này sinh trưởng thành công, sẽ gắn chip điện tử vào gà lôi hông tía và tái thả vào môi trường bán hoang dã. Theo dõi ghi nhận các đặc điểm sinh thái và sinh học của gà lôi hông tía để làm cơ sở dữ liệu khi tái thả vào môi trường tự nhiên sau này.
Bước 3, dự kiến từ năm 2025-2030, tái thả định kỳ vào môi trường sinh sống tự nhiên thích hợp với các đặc điểm sinh thái của loài để bổ sung vào quần thể đang được bảo tồn nguyên vị. Dựa trên kết quả và kinh nghiệm của chương trình nhân nuôi bảo tồn nguồn gen này, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có thể xây dựng chương trình phát triển cho cộng đồng bằng cách hợp tác và chuyển giao quy trình nhân giống này cho cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2020-2030, lồng ghép chương trình phát triển cộng đồng vào dự án phát triển vùng đệm của Vườn quốc gia và phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Tăng cường vai trò của cộng đồng trong các hoạt động du lịch sinh thái của Vườn để hướng tới mục tiêu xây dựng chương trình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng. Cách tiếp cận này có thể góp phần thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả hơn giữa người dân với Vườn quốc gia trong chiến lược bảo tồn của Vườn quốc gia.