Vườn Quốc gia Vũ Quang hành trình đến 'Vườn Di sản ASEAN'
Với các giá trị về đa dạng sinh học và vai trò to lớn trong công tác bảo tồn, Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã chính thức được công nhận là 'Vườn Di sản ASEAN'.
Những giai đoạn hình thành và phát triển
Năm 2019, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN”. Ảnh: Huy Tùng
Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang được thành lập năm 1986 (theo Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng), có tổng diện tích 16.000 ha, với vai trò chủ yếu là bảo tồn khu di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ thứ XIX của nhà yêu nước Phan Đình Phùng.
Với việc phát hiện 2 loài thú mới là sao la và mang lớn (năm 1992-1993) cùng tính đa dạng sinh học cao tại khu vực, ngày 14/6/1994, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang chính thức được thành lập. Ban được giao quản lý 52.366 ha rừng trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê với chức năng là bảo vệ rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa lịch sử.
Ông Nguyễn Danh Kỳ (bên phải) - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang tham dự hội nghị và nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho Vườn Quốc gia Vũ Quang từ hội đồng AHP.
Tiếp đó, dự án bảo tồn Vũ Quang của WWF Đông Dương được Chính phủ Vương quốc Hà Lan tài trợ với tổng ngân sách 2,4 triệu USD được kích hoạt vào tháng 5/1995 với thời gian thực hiện 5 năm.
Năm 2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thành Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam
Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Vũ Quang hết sức phong phú và đa dạng. Ảnh: Huy Tùng
Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
Vườn Quốc gia Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...
Trong những năm của thập niên 90, các nhà khoa học tìm ra ở các khe suối trên vùng rừng Vũ Quang thêm 5 loài cá mới cho khoa học, gồm: cá lá giang, cá chuồn sông, cá bướm, cá đong chấm sọc, cá chiên thác bẹt và 3 loài tảo. Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.
Sao la (Kỳ lân châu Á) Pseudoryx nghetinhensis - loài mới được phát hiện đầu tiên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Nguồn: internet)
Các loài mới cho khoa học nêu trên đều là các loài “đặc hữu” (edemic) cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang. Khu vực này “có duyên” với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng, “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam”.
Vườn Quốc gia Vũ Quang có đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên của Hiệp hội Các Vườn di sản ASEAN như: Tính toàn vẹn hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính độc đáo và các sinh cảnh đặc trưng, cùng các loài quý hiếm, tính hợp pháp và hợp lý, tính xuyên biên giới, kế hoạch quản lý, tầm quan trọng cho bảo tồn. Các tiêu chí nêu trên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) thật sự ấn tượng và đánh giá rất cao thông qua các chương trình làm việc cũng như khảo sát thực tế tại khu vực.
Chà vá chân nâu (ảnh 1), thỏ vằn Trường Sơn (ảnh 2), ếch cây Kio (ảnh 3) và mang lớn (ảnh 4).
Tại Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 10/2019), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, công nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng như của Nhân dân Hà Tĩnh.
Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời, điều này góp phần quan trọng nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Trà mi hoa vàng được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN với sự tham gia và ký kết của các bộ trưởng về môi trường của ASEAN.
Nguyễn Danh Kỳ
Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang