Vườn thuốc nam tại trạm y tế: Có nhưng khó duy trì
Phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền là một trong những chủ trương lớn của ngành y tế. Tuy nhiên, việc xây dựng vườn thuốc nam tại các trạm y tế ở tỉnh ta còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả.
Trạm Y tế xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi là điểm sáng trong xây dựng vườn thuốc nam với hơn 60 cây thuốc các loại, được y, bác sĩ chăm sóc chu đáo. Đây là nguồn dược liệu quý, hỗ trợ điều trị đông tây y kết hợp cho người bệnh. Chỉ vào từng cây thuốc đang lên xanh tốt, trưởng trạm Lê Hoài Phụng, cho biết: Rễ cây bạch hồng nữ chữa xương, khớp, nhức mỏi; râu mèo chữa viêm thận, viêm bàng quang; sò huyết chữa ho ra máu, cảm sốt, viêm khí quản; xạ can chữa viêm họng, amidan...
Bác sĩ Trạm y tế Nghĩa Hà giới thiệu cây thuốc nam chữa bệnh cho người dân địa phương.
Nhờ những cây thuốc quý này mà người dân đến với trạm để khám, điều trị bệnh ngày càng nhiều, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ. Còn bà Nguyễn Thị Uông, thôn Xuân An thường xuyên sử dụng thuốc nam thì chia sẻ: Y, bác sĩ ở trạm luôn căn dặn chúng tôi mỗi khi đến khám bệnh về những loại cây thuốc nam và cách sử dụng. Bệnh đau khớp của tôi bớt cũng nhờ những bài thuốc nam từ trạm y tế.
Tuy nhiên, việc xây dựng vườn thuốc nam bài bản như ở Trạm Y tế Nghĩa Hà không phải trạm nào cũng làm được. Bà Lê Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Quảng Ngãi cho biết: Thành phố có 23 trạm y tế xã, phường, nhưng chỉ hơn nửa số trạm có vườn thuốc nam theo đúng quy định.
Vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đó là, mỗi trạm phải có trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp; có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu. Theo Sở Y tế, toàn tỉnh có 139/184 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế đều có vườn thuốc nam và tranh ảnh thuốc nam. Song, một số trạm sau khi kiểm tra đạt chuẩn không còn duy trì, chăm sóc vườn thuốc nam như ban đầu.
Đối với tuyến y tế miền núi, việc xây dựng vườn thuốc nam cũng chưa được chú trọng, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Bác sĩ Đặng Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cho biết, huyện có hơn nửa số trạm có vườn thuốc nam, nhưng không đầy đủ số cây thuốc theo quy định.
Theo bác sĩ Lê Quang Quỳnh - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, việc sử dụng các bài thuốc nam để chữa các bệnh thông thường có rất nhiều ưu điểm so với tây y. Các cây thuốc nam dễ trồng, dễ tìm kiếm và thường được phổ biến dưới dạng các loại rau, trái cây, gia vị... an toàn, ít gây tác dụng phụ, tránh được hiện tượng kháng thuốc như trong tây y.
“Để duy trì và phát huy hiệu quả vườn thuốc nam ở các trạm y tế, ngoài công tác tuyên truyền, các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế phải sử dụng thuốc nam để điều trị một số bệnh thông thường có hiệu quả. Có vậy, người dân mới tin tưởng và sử dụng thuốc nam ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi sẽ củng cố đội ngũ y bác sĩ làm công tác y học cổ truyền, để đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tạo đất sống cho cây thuốc nam”, bác sĩ Quỳnh cho biết thêm.