Vườn thủy canh lớn giữa vùng rau Đơn Dương
Ở Lạc Xuân, Đơn Dương, vườn rau Kiêm Hùng được đánh giá đã 'chuyển lối đi riêng'. Bởi thay vì trồng rau như mọi nhà, vợ chồng bà Kiêm đã chọn đầu tư lớn, dựng nhà kính bài bản trồng rau bằng phương pháp thủy canh hồi lưu.
Bà Nguyễn Thị Kiêm, thôn Đồng Thạnh, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương cho biết, gia đình bà vốn xưa nay làm la-ghim như ớt, cà chua, cải thảo... Nhận thấy thị trường ngày càng ưa chuộng hàng rau sạch, rau an toàn, năm 2016 gia đình bà quyết tâm đầu tư chi phí, dựng một ha nhà kính trồng rau thủy canh. Riêng kinh phí đầu tư cho 1 ha rau thủy canh đã xấp xỉ 10 tỷ đồng, bao gồm: hệ thống nhà giàn, hệ thống giàn trồng và các hệ thống liên quan. Trên 1 ha giàn thủy canh, gia đình bà chuyên trồng xà lách, loại rau được thị trường ưa chuộng.
Bà Kiêm cho biết, bà trồng rau thủy canh theo phương pháp hồi lưu đòi hỏi nước chảy liên tục trong ống, rễ cây liên tục được ngâm trong nước đã có pha lẫn dung dịch dinh dưỡng. Nước còn thừa sẽ chảy trở lại bể chứa và tiếp tục quay vòng. Diện tích vườn khá lớn mà năng suất xà lách thường rất cao nên bà trồng theo kiểu cuốn chiếu, lứa này vừa kịp thu hoạch đã có lứa khác kế tiếp. Trồng cuốn chiếu giúp hàng đi liên tục, đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, đồng thời không gây áp lực thừa hàng, dư hàng. Bà Kiêm cho biết, 1 tháng bà cung cấp cho thị trường trên 20 tấn rau xà lách thủy canh với giá trung bình từ 20-30 ngàn đồng/kg. Hàng rau của vườn Kiêm Hùng chủ yếu xuất đi siêu thị, các cửa hàng rau sạch và được khách hàng ưa chuộng bởi độ giòn, độ ngọt.
Trồng rau thủy canh hồi lưu cây lớn nhanh, chất lượng sạch, mẫu mã đẹp song cũng có nhiều sự cố. Chỉ cần sơ suất một chút về hạt giống, về tỷ lệ pha dung dịch dinh dưỡng hay khí hậu thay đổi, cây dễ shock và kém phát triển. Chính vì vậy, trồng rau thủy canh phải rất chú ý tới chất lượng nước tưới. Nước được bơm từ giếng khoan sâu 140 m, bơm lên bể và hòa dinh dưỡng tùy theo độ tuổi cây hay loại cây. Trong vườn, bộ châm phân hoạt động liên tục, kiểm tra từ lượng dinh dưỡng, độ pH cũng như các yêu cầu của cây. Bà chọn sử dụng hạt giống, dinh dưỡng và quy trình chăm sóc của Công ty Rijk Zwaan, một công ty uy tín của Hà Lan về hạt giống nên chất lượng rau được bảo đảm.
Đặc biệt, là nông dân, bà Nguyễn Thị Kiêm ý thức rất rõ vấn đề tiết kiệm. Trồng thủy canh là loại trồng rất tốn nước và tốn điện cho hệ thống mô tơ đẩy nước hoạt động 24/24h. Với 1 sào rau xà lách, cần một lượng nước là 5 m3/ngày, trong đó tiêu hao 3 m3, 2 m3 quay trở lại hệ thống. Còn chi phí cho điện mất tới 40 triệu đồng/tháng, trong điều kiện không mất điện lưới quốc gia. Nếu phải sử dụng máy nổ, chi phí còn cao hơn rất nhiều. Bà Kiêm tính toán: “Một kg rau từ khi gieo hạt tới khi thu hoạch là 60 ngày, trong đó có 35 ngày cây cần nuôi dưỡng trong hệ thống thủy canh. Tính ra mỗi kí rau chịu tới 2 ngàn đồng tiền điện, vì vậy chúng tôi phải hết sức tiết kiệm trong sử dụng điện, nước cũng như các vật tư tiêu hao khác. Như vỉ trồng, sau khi thu hoạch, vệ sinh khử trùng sạch chúng tôi cũng tái sử dụng trồng lứa mới, tránh xả ra môi trường, vừa giảm chi phí, vừa sạch sẽ”. Ông Trần Minh Tường - Giám đốc Điện lực Đơn Dương đánh giá, hộ bà Nguyễn Thị Kiêm là khách hàng lớn của ngành điện. Bà sử dụng điện rất hiệu quả, tiết kiệm với các thiết bị tiết kiệm điện. Đồng thời, ngành điện đang vận động và bà Kiêm cũng cho biết, sẽ xem xét lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để giảm chi phí.
Không chỉ là trồng và bán, bà Nguyễn Thị Kiêm còn tha thiết với danh tiếng, thương hiệu của rau Đà Lạt. Bà đang làm thủ tục để được công nhận và sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên sản phẩm, với mong muốn người tiêu dùng được thưởng thức đúng những cây rau giòn, ngọt, từ bàn tay của người nông dân trên đất cao nguyên.