Vươn về phía mặt trời

Không chỉ những người trực tiếp tham gia kháng chiến phải hứng chịu hậu quả nặng nề của hàng triệu lít chất độc hóa học do đế quốc Mỹ rải xuống mà hàng ngàn số phận là thế hệ con, cháu họ cũng phải gánh trên mình những di chứng chiến tranh. Hình hài không lành lặn, trí tuệ thiểu năng và bệnh tật không thuốc trị... là những nỗi đau đang hiển hiện ở nạn nhân chất độc da cam/dioxin. dẫu khắc nghiệt đến thế nhưng nhiều người vẫn nỗ lực, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên xây dựng cuộc đời mới. Đó là anh Vũ Ngọc Hồng và anh Lê Văn Hơn ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng.

Vượt qua mặc cảm

Ngoài 40 tuổi, lưng bị gù bẩm sinh nay càng còng thêm theo tuổi tác nên nhìn anh Vũ Ngọc Hồng ở thôn 7, xã Long Hà càng nhỏ bé hơn. Đôi mắt theo năm tháng cũng bị lệch kích thước. Đôi vai bên cao bên thấp không cân bằng... Tất cả khiếm khuyết đó trên người anh là di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin - hệ quả từ những tháng năm lăn lộn khắp chiến trường Quảng Trị của người cha.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm và tặng quà nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (ảnh chụp trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg)

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm và tặng quà nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (ảnh chụp trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg)

Anh Hồng nhỏ nhẹ: “Với hình hài như thế này, tôi cũng buồn và tủi thân lắm. Ngày xưa chưa hiểu chuyện, tôi luôn trách cha mẹ sao sinh ra tôi với thân hình như vậy. Sau mới biết đó là di chứng của chiến tranh. Tôi đã chấp nhận, cố gắng thay đổi suy nghĩ và vượt qua mặc cảm. Nhưng di chứng chiến tranh rất tàn độc, nó không chỉ hành hạ thể xác mà còn khiến tinh thần tôi suy sụp khi các con cũng bị ảnh hưởng”.

Anh Vũ Ngọc Hồng chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế gia đình

Anh Vũ Ngọc Hồng chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế gia đình

Vượt qua nỗi đau, vươn lên số phận, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các hội, đoàn thể địa phương, anh Hồng đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Từ 2 con bò giống được hội hỗ trợ, anh Hồng chịu khó chăm sóc, nuôi dưỡng đến nay đã tăng đàn lên 5 con. Ngoài ra, trong hơn 1 ha điều, anh trồng xen canh bầu, bí, bắp để có thêm thu nhập. Những nguồn lực ấy đang trở thành dòng vốn, là “cần câu” quan trọng của gia đình để giúp anh thay đổi cuộc sống, chắp cánh thực hiện khát vọng của bản thân. “Hiện nay, vợ và con trai đã có công việc ổn định, tôi cũng muốn tự lực vươn lên để cuộc sống bằng bạn bè, anh em. Và khi cuộc sống ổn định, có dư dả tôi sẽ đi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khuyết tật, khó khăn như tôi” - anh Hồng cho biết thêm.

Làm đẹp cho đời bằng nghị lực sống

Cũng bị di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin, đôi chân anh Lê Văn Hơn (SN 1978) ở thôn 4, xã Long Hà ngày càng teo dần, buộc anh khi di chuyển phải lết trên mặt đất hoặc nhờ sự hỗ trợ của xe lăn. Ông Lê Văn Ân, cha anh Hơn cho biết: “Khi mới sinh ra, Hơn có hình hài khá đặc biệt, đầu bị dính ở lưng, chân thì nhỏ. Sau nhiều năm, gia đình đã tốn rất nhiều chi phí để chạy chữa giúp Hơn có thể đi lại được”.

Vậy nhưng, đôi chân của anh Hơn ngày càng teo nhỏ. Không mặc cảm, anh mạnh mẽ vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Hiện sức khỏe hạn chế nhưng anh vẫn giúp cha làm nghề mộc thủ công tại nhà, nhận gia công các loại cửa, bàn ghế gỗ... Công việc giúp anh cảm thấy bản thân vẫn có giá trị và cuộc sống không tẻ nhạt.

Anh Lê Văn Hơn miệt mài bên những sản phẩm từ gỗ

Anh Lê Văn Hơn miệt mài bên những sản phẩm từ gỗ

Cách anh Hơn vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần là mỗi ngày tìm niềm vui trong sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ và luyện tập xe lăn trên các cung đường trong xã. Anh là tuyển thủ xe lăn và từng đoạt nhiều giải thưởng cao tại hội thao người khuyết tật do tỉnh tổ chức. Mục tiêu của anh là tiếp tục chinh phục các giải thưởng trong những năm tiếp theo. Anh Hơn cho biết: Bây giờ tôi thấy mọi thứ bình thường như những người bình thường khác. Tôi biết những khiếm khuyết trên cơ thể mình là di chứng của chiến tranh. Cuộc sống phải tiếp diễn nên tôi cố gắng làm thợ mộc với ba. Ngoài ra, tôi cũng rất thích đua xe lăn, nên sẽ tích cực tập luyện để sang năm tranh giải.

Giai đoạn 2017-2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Phú Riềng đã vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng 7 căn nhà cho nạn nhân da cam trị giá gần 500 triệu đồng; ủng hộ phong trào Vì nạn nhân da cam nghèo giúp 7 hộ có vốn nuôi bò sinh sản 140 triệu đồng; 10 công trình vệ sinh, nước sạch trị giá 350 triệu đồng; hơn 30 xe lăn, xe lắc cho nạn nhân khuyết tật...

Ông Hồ Viết Trung , Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Phú Riềng

Huyện Phú Riềng hiện có 98 hộ nạn nhân da cam với 143 nạn nhân đang được hưởng phụ cấp chế độ chất độc da cam/dioxin. Ông Hồ Viết Trung, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Phú Riềng cho biết: Trong 5 năm qua, Huyện hội luôn tích cực thi đua, phát động các phong trào “Vì nạn nhân da cam”. Chúng tôi đã xây dựng quỹ hội, quỹ đồng đội và quỹ ban chấp hành hội với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng. Đây là nguồn lực để tương trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế trong hội viên. Chúng tôi đã và đang cố gắng để cùng với hệ thống chính trị, cộng đồng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Thái Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125969/vuon-ve-phia-mat-troi