Vướng giải phóng mặt bằng, tuyến đường ở Quảng Nam chưa thể khớp nối
Do còn vướng giải phóng mặt bằng một hộ dân nên tuyến đường Nguyễn Thuật ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chưa thể khớp nối, dẫn đến chậm tiến độ bàn giao.
Chậm tiến độ
Tuyến đường Nguyễn Thuật (đoạn nối Quốc lộ 14E – ĐH21.TB) với chiều dài gần 1km, là một trong những dự án mang tính động lực, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của huyện Thăng Bình. Tuyến đường hoàn thành, không những giải quyết được vấn đề giao thông đi lại, mà còn tạo điều kiện cho người dân tập trung phát triển kinh tế, tạo ra mỹ quan cho thị trấn Hà Lam.
Dự án do UBND thị trấn Hà Lam làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng Nam Thịnh. Theo quy hoạch được UBND huyện Thăng Bình phê duyệt, tuyến đường này bao gồm: nền, mặt đường và công trình thoát nước; trong đó, bề mặt lòng đường rộng 7,5m với tốc độ thiết kế 40km/h, quy mô vĩnh cửu. Tổng mức đầu tư 11,9 tỷ đồng, riêng đầu tư cho xây dựng là 4,8 tỷ đồng.
Ngày 3/7/2020, UBND thị trấn Hà Lam tổ chức lễ khởi công dự án, với cam kết 230 ngày hoàn thành. Thế nhưng đến nay, tuyến đường “huyết mạch” của đô thị Hà Lam vẫn chưa thể khớp nối, chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian hoàn thành.
Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, tuyến đường Nguyễn Thuật chưa thể khớp nối đoạn giao nhau với đường Huỳnh Thúc Kháng là do còn vướng một số hộ dân chưa thể giải phóng, bàn giao mặt bằng. Còn lại, những đoạn khác đã hoàn thành mặt đường, vỉa hè, công trình thoát nước…
Chỉ còn vướng một hộ dân
Ông Trần Hữu Ba - Cán bộ Địa chính Xây dựng thị trấn Hà Lam, cho biết khi thi công dự án này có tổng số 28 hộ bị ảnh hưởng, với 37 thửa đất. Chính quyền đã tuyên truyền, vận động các hộ chấp thuận bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công dự án vẫn còn vướng 4 hộ nên tuyến đường chưa thể khớp nối để hoàn thành bàn giao.
“Cụ thể trong 4 hộ vướng thì chỉ còn 1 hộ chưa thống nhất phương án đền bù, đó là trường hợp bà Võ Thị Ngân” – ông Ba cho biết.
Trong đơn gửi UBND huyện Thăng Bình vào ngày 26/10/2023, bà Võ Thị Ngân (hiện trú tại thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) trình bày mình là chủ thửa đất 540 tờ bản đồ số 02 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cấp GCNQSDĐ số CK 024609 ngày 22/2/2018, diện tích 1.000m2, diện tích thực tế sử dụng hơn 1.600m2 địa chỉ thửa đất tổ 13 cũ, hiện nay là khu phố 7, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình.
Hiện tại, UBND huyện Thăng Bình có thông báo đến hộ bà Ngân thu hồi đất để mở rộng đường Nguyễn Thuật. Thửa đất của bà Ngân bị ảnh hưởng có thông báo thu hồi khoảng 6.00m2.
“Vợ chồng tôi đồng ý chủ trương thu hồi đất của UBND huyện Thăng Bình. Nhưng trong quá trình thu hồi đất, Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND huyện Thăng Bình thực hiện một số nội dung chưa đúng quy định pháp luật” – bà Ngân nêu trong Đơn.
Cần sớm gỡ vướng
Trả lời Kinh tế & Đô thị, ông Lê Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và Công nghiệp – Dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết, Trung tâm đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thực hiện quy trình trả lời đơn của công dân.
Cụ thể, trong đơn bà Ngân cho biết hồ sơ trích đo thửa đất chỉ có chữ ký của ông Phan Chí Hiếu thuộc một công ty tư nhân đo đạc, theo quy định của pháp luật việc đo đạc hiện trạng của thửa đất phải do văn phòng đăng ký đất đai thẩm định hoặc trực tiếp đo đạc.
Về nội dung này, ông Huy trả lời: Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư là UBND thị trấn Hà Lam trực tiếp hợp đồng với đơn vị tư vấn. Việc đo đạc thế nào do đơn vị tư vấn và thực hiện theo quy định, quy trình của Nhà nước. Sau này, phía chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sẽ có ý kiến trả lời với người dân.
Thứ hai, bà Ngân cho hay thửa đất diện tích thực tế sử dụng hơn 1.600m2 nhưng UBND huyện Thăng Bình lại chia làm 2 thửa và có 2 quyết định thu hồi đất là không đúng thực tế sử dụng đất và không đúng pháp luật. Vấn đề này, ông Huy cho hay, phía trung tâm khi bồi thường căn cứ vào hồ sơ thẩm định được các cơ quan có thẩm quyền ký. Sở dĩ chia làm 2 thửa và có 2 quyết định thu hồi đất là vì có một thửa do người thân của bà Ngân sử dụng, sau đó người này mất thì để lại cho bà thừa kế.
Đặc biệt, bà Ngân cho rằng: “Đơn giá đền bù cho 6.00m2 đất trồng cây lâu năm bị thu hồi là 19 triệu đồng, liệu giá này có đúng với giá thị trường và giá trị thực tế”.
Đối với nội dung này, theo ông Huy, việc bồi thường căn cứ vào các quy định, quyết định cụ thể. Tuy nhiên, việc bà Ngân phản ánh mức giá bồi thường 19 triệu đồng cho hơn 6.00m2 đất trồng cây lâu năm là chưa chính xác. “Theo bảng áp giá chi tiết giá trị bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đợt 3 đối với hộ Võ Thị Ngân là khoảng 59 triệu đồng, chứ không phải 19 triệu đồng. Việc này chúng tôi sẽ gặp trực tiếp bà Ngân để chia sẻ cụ thể” – ông Huy thông tin.
Trong đơn, bà Ngân cũng yêu cầu UBND huyện Thăng Bình giải quyết ranh giới thửa đất giữa bà và hộ ông Võ Văn Nhẫn. Với yêu cầu này, ông Lê Quốc Huy nói đơn vị thẩm quyền là UBND thị trấn Hà Lam sẽ mời các hộ ra xác định rõ ranh giới và thống nhất.
Cũng trong đơn, bà Võ Thị Ngân trình bày: “Do dự án đường Nguyễn Thuật kéo dài nên diện tích còn lại nhỏ nằm trọn trong hành lang giao thông có diện tích hình cắt xéo không thể làm nhà được. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét thu hồi toàn bộ thửa đất của tôi nêu trên và cấp lại đất tái định cư cho tôi, còn diện tích đất trồng cây lâu năm thì đền theo đất trồng cây lâu năm, và đề nghị phòng Kinh tế hạ tầng huyện xác nhận hành lang của tuyến đường Nguyễn Thuật”.
Để giải quyết nguyện vọng này của người dân, ông Lê Quốc Huy cho biết, Trung tâm sẽ sớm tổng hợp các nội dung để báo cáo và tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến.