Vướng hợp đồng EPC, nhiều dự án thua lỗ sẽ giải quyết tranh chấp tại tòa
Về xử lý tranh chấp các hợp đồng EPC, Chính phủ cho biết, có 7 dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.
Giảm lỗ chưa bền vững
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Liên quan đến 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, Chính phủ cho biết, đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 Nhà máy hoạt động sản xuất, inh doanh có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung. Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với 4 dự án còn đang thua lỗ đang tiếp tục giảm được lỗ nhưng kết quả chưa bền vững. So với năm 2017, năm 2018 Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng.
Với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay có 1 dự án đã vận hành trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất. Đơn cử, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tự vận hành sản xuất 3 dây chuyền DTY rồi chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công sợi. Từ ngày 08/05/2019, PVTEX đưa thêm 2 dây chuyền vào hoạt động, nâng tổng số lên 12 dây chuyền hoạt động. Tuy nhiên, theo yêu cầu của đối tác, hiện nay Nhà máy đã giảm xuống 7 dây chuyền sản xuất.
Theo Chính phủ, thời gian vừa qua, việc giải quyết tồn tại, yếu kém ở một số dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên, cũng còn những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp và xây dựng phương án thoái vốn tại các dự án, doanh nghiệp.
Về xử lý tranh chấp các hợp đồng EPC, có 7 dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.
Cụ thể, đối với 3 Dự án Nhà máy sản xuất phân bón (Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai), các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.
Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng công ty CP Thép Việt Nam đã rà soát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng EPC với nhà thầu MCC và phân tích khả năng giải quyết xong vướng mắc để nhà thầu MCC tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC; đề xuất giải pháp sau khi đã có ý kiến tham vấn của Bộ Tư pháp và tư vấn luật NH Quang và Cộng sự.
Tuy nhiên, sau khi rà soát các vướng mắc, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng công ty CP Thép Việt Nam nhận thấy đến nay không thể đàm phán giải quyết được vướng mắc hợp đồng EPC với Nhà thầu MCC để tiếp tục triển khai Dự án.
Đối với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Công ty DQS, hiện nay các bên vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp do chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng.
6 dự án vướng mắc quyết toán
Cũng theo Chính phủ, hiện có 6 Dự án còn vướng mắc trong việc quyết toán toàn bộ Dự án do chưa xử lý được tranh chấp hợp đồng EPC và định giá tài sản. Trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi: Chưa chạy thử nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải nên chưa đủ điều kiện để quyết toán hợp đồng EPC, làm cơ sở cho việc quyết toán toàn bộ Dự án; Công ty DQS: Còn vướng mắc về xác định giá trị hoàn thành quyết toán Giai đoạn 1 và chuyển giao Dự án tàu 104.000 DWT trong hợp đồng EPC dự án…
Về xử lý vấn đề tài chính, Chính phủ cho biết, một số dự án, đặc biệt là các Dự án sản xuất phân bón của Vinachem gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay vốn theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và làm giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cùng với đó, một số dự án, doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu nên không có kinh phí để khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước, Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc, Công ty DQS).
Nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra trong thời gian tới là tập trung cao để xử lý các vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, làm cơ sở để xử lý dứt điểm việc quyết toán hoàn thành dự án và các vấn đề hác có liên quan; coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, phải tập trung xử lý được trong thời gian sớm nhất.
Để làm được điều này, các Tập đoàn, Tổng công ty phải tập trung rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ lại các vấn đề cụ thể còn đang vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án. Trường hợp hết năm 2019 vẫn không tiến triển cần xem xét các điều khoản hợp đồng để xem xét khả năng đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử.