Vướng mắc khi áp dụng pháp luật trong vụ án dân sự sơ thẩm
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Kiểm sát viên Phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa, qua thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự cho thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự chưa dự liệu hết các tình huống phát sinh trong thực tiễn, dẫn đến việc giải quyết vụ án dân sự còn nhiều vướng mắc, nhiều khi việc giải quyết bị kéo dài một cách không cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm đưa ra tình huống thực tế, chẳng hạn như: Chị Trần Thị Hà P. khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn T. và bà Mai Thị L. phải tháo dỡ tài sản trên đất trả lại mặt bằng là 46,2m2 đất ở tại thửa số 200, tờ bản đồ số 6, bản đồ địa chính thị trấn N., huyện S., tỉnh T. Nguồn gốc thửa đất do chị P. nhận chuyển nhượng của vợ chồng bà Nguyễn Thị D. và ông Mai Văn B. và chị P. đã được UBND huyện S. cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 10/01/2020. Hiện nay, trên một phần thửa đất có nhà cấp 4 (chỉ còn phần móng và tường) là tài sản của ông T., bà L.; Chị P. đã nhiều lần yêu cầu ông T., bà L. phải tháo dỡ công trình trên đất, để trả lại mặt bằng cho chị nhưng ông T., bà L. không đồng ý.
Tòa án nhân dân huyện S. đã thụ lý vụ án, xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự nguyên đơn là chị Trần Thị Hà P., bị đơn là ông Trần Văn T., bà Mai Thị L., người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị D. và ông Mai Văn B., quan hệ tranh chấp là "tranh chấp quyền sử dụng đất".
Quá trình giải quyết vụ án, chị P. nhận thấy việc yêu cầu khởi kiện buộc ông T., bà L. phải bàn giao tài sản cho chị là chưa phù hợp nên chị P. có đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện S. thay đổi tư cách tố tụng trong vụ án; xác định nguyên đơn là bà Nguyễn Thị D., người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn T., bà Mai Thị L. và thay đổi quan hệ tranh chấp trong vụ án là "tranh chấp thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
Theo đó, chị P. yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Nguyễn Thị D. phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản là toàn bộ thửa đất số 200, tờ bản đồ số 06, diện tích là 117m2 theo hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký kết giữa chị và bà D. với ông B. đã được công chứng hợp pháp.
Tòa án nhân dân huyện S. căn cứ Điều 26, khoản 3, 4 Điều 68 BLTTDS, ra Thông báo số 01/2022/TB-TA về thay đổi tư cách tố tụng của đương sự và quan hệ tranh chấp trong vụ án. Theo đó, Tòa án đã xác định lại tư cách tố tụng của các đương sự bà Nguyễn Thị D. là bị đơn, ông Trần Văn T., bà Mai Thị L. và ông Mai Văn B. (chồng bà D.) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, về việc Tòa án nhân dân huyện S. ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự hiện nay có hai quan điểm:
Một là, như Tòa án nhân dân huyện S. đã thực hiện. Tòa án ra thông báo cho các đương sự biết về việc thay đổi vị trí tố tụng và quan hệ tranh chấp; vì cho rằng vẫn đảm bảo ý kiến, quyền lợi của các đương sự, vẫn được xem xét trong vụ án này và tránh làm mất thời gian giải quyết.
Hai là, Tòa án nhân dân huyện S. phải hướng dẫn nguyên đơn rút đơn khởi kiện đối với ông T., bà L. và đình chỉ giải quyết vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất". Sau đó, chị P. khởi kiện bà D. và Tòa án thụ lý giải quyết bằng vụ án dân sự khác; trong đó xác định quan hệ pháp luật "tranh chấp thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSD đất" và xác định bị đơn là bà Nguyễn Thị D., người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn T. và bà Mai Thị L.; vì khi chị P. thay đổi nội dung khởi kiện thì tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, quan hệ tranh chấp và đối tượng khởi kiện cũng thay đổi.
Theo Kiểm sát viên Tâm thì Tòa án phải giải quyết theo quan điểm thứ hai, vì Điều 245 Bộ LTTDS 2015 chỉ quy định Tòa án thay đổi địa vị tố tụng của đương sự trong các trường hợp:
Một là, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
Hai là, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố; nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Bộ LTTDS năm 2015 chưa quy định về việc thay đổi địa vị tố tụng khi nguyên đơn chỉ có đơn đề nghị. Hơn nữa việc thay đổi nội dung khởi kiện, người bị kiện của nguyên đơn cũng làm thay đổi quan hệ pháp luật ban đầu, thay đổi hậu quả pháp lý đối với đương sự. Mặt khác, về thời hạn giải quyết vụ án, BLTTDS cũng chưa quy định khi thay đổi địa vị tố tụng thì thời hạn giải quyết vụ án được tính như thế nào, được tính lại thời hạn hay tiếp tục thời hạn?
Đây là hình huống pháp lý thực tế xảy ra và đang vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật nên đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hóa nêu ra để độc giả cùng nghiên cứu, trao đổi.