Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 51 BLHS

Quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 51 trong Bộ luật hình sự (BLHS) 2015. Hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp một số khó khăn, sự chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật khi xử lý vụ án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 51 trong BLHS 2015 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của BLHS 1999. Hiện nay Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hết hiệu lực (viết tắt là Nghị quyết số 01) nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào thay thế. Do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục vận dụng các quy định của Nghị quyết số 01 với nguyên tắc không trái với quy định của BLHS hiện hành và các văn bản pháp luật khác dẫn đến một số khó khăn, sự chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật khi xử lý vụ án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:

1. Trong những vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, gia đình bị hại làm đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo. Theo quy định của Nghị quyết số 01/2000 thì “người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản”,hiện nayNghị quyết số 01 đã hết hiệu lực thi hành. Vấn đề đặt ra vậy có áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS trong trường hợp này không?

 Quang cảnh một phiên tòa hình sự sơ thẩm tại Tòa án quân sự khu vực Quân khu 2.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự sơ thẩm tại Tòa án quân sự khu vực Quân khu 2.

Theo nhiều quan điểm hiện nay mặc dù Nghị quyết số 01 đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có văn bản thay thế hướng dẫn cụ thể. Do vậy vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2000 là không áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị can, bị cáo.

Tác giả cũng cùng quan điểm như trên. Vì tính mạng, sức khỏe của con người là quý giá nhất, mọi hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng về quyền con người. Đây cũng là quan hệ xã hội quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ và bị các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người xâm hại. Hầu hết các tội phạm này đều có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao, đòi hỏi phải bị trừng trị nghiêm khắc. Do vậy để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và nghiêm trị người phạm tội thì sẽ không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS gia đình bị hại hoặc bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo trong trường hợp bị hại đã chết.

2. Tình tiết “Người bị hại cũng có lỗi” được quy định là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo Nghị quyết số 01/2000. Vậy người bị hại cũng có lỗi được hiểu như thế nào? Phải đảm bảo 2 yếu tố: tính liên tục của hành vi và tính liên quan đến hành vi của bị cáo.

Thứ nhất, tính liên tục của hành vi được hiểu là một chuỗi hành vi mang tính liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian đều xâm phạm đến một khách thể nhất định và được thực hiện bởi một chủ thể với mục đích cụ thể. Trong pháp luật hình sự, tính liên tục của hành vi phạm tội phải do đối tượng cụ thể thực hiện, diễn biến liên tục, không có ngắt quãng về thời gian, cùng thực hiện một mục đích.

Ví dụ: A và B có lời qua tiếng lại và xô xát nhẹ sau đó được mọi người can ngăn nên ai về nhà người đấy. Do bực tức vì bị A đánh nên B đã nung nấu ý định trả thù. Chiều hôm đó B đi ra chợ hỏi mua dao. Do biết B là thành phần bất hảo nên không ai đồng ý bán, vì vậy B đã lấy trộm một con dao với mục đích để giết A sau đó B quay trở lại nhà A. B tiếp cận A rồi bất ngờ rút dao từ thắt lưng đâm vào vùng bụng, ngực của A, B rút dao ra vung tay tấn công tiếp nhưng A đã đứng dậy tránh được đồng thời bị mọi người ngăn lại. A được đưa đi cấp cứu tuy nhiên đã tử vong.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân dẫn đến xô xát giữa A và B. Tuy nhiên việc xô xát này là nhỏ nhặt nhưng B đã phát sinh bực tức, một phần do trong người vẫn còn nồng độ cồn và là thành phần bất hảo, hơn nữa sau khi xảy ra xô xát nhẹ cả hai đã được mọi người can ngăn, đã có thời gian bình tĩnh lại nhưng vì cay cú mà B vẫn có ý định trả thù giết A đến cùng. Như vậy theo tác giả sự việc diễn ra không liên tục nên không áp dụng tình tiết “bị hại cũng có lỗi”.

 Kiểm sát viên VKSQS khu vực 21 lấy lời khai bị can.

Kiểm sát viên VKSQS khu vực 21 lấy lời khai bị can.

Thứ hai là tính liên quan của hành vi phạm tội. Hành vi và hậu quả có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hành vi được coi là nguyên nhân phải là hành vi trái pháp luật hình sự và xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian, là tác động trực tiếp làm phát sinh hậu quả, không phải do bất kỳ hành vi nào khác gây ra.

Ví dụ: A đang ngồi uống nước thì thấy B chạy xe máy ngang qua rồ ga, lạng lách trước quán nhiều lần. Do vậy A thấy khó chịu, bực tức nên đã lấy đá ném vào B làm B ngã, tỷ lệ tổn thương cơ thể 11%. Ở đây A phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 BLHS. Theo quan điểm của tác giả, B trong vụ án trên chỉ có lỗi trong vi phạm pháp luật khác mà cụ thể là hành vi vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng, không có mối liên hệ gì với lỗi trong hành vi của A. Vì vậy trường hợp này cũng không áp dụng tình tiết “bị hại cũng có lỗi”.

Trên đây là nội dung nghiên cứu và quan điểm của tác giả, kính mong được sự tham gia và cho ý kiến của các đồng chí và độc giả./.

Linh Chi - VKSQS khu vực 21 Quân khu 2

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vuong-mac-khi-ap-dung-tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-theo-khoan-2-dieu-51-blhs-140817.html