Vướng mắc mặt bằng, cầu Nhơn Trạch có nguy cơ chậm tiến độ
Cầu Nhơn Trạch có thể không hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 9/2025 do chậm bàn giao mặt bằng.
Cầu Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất thuộc tuyến Vành đai 3, nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai. Cây cầu dài hơn 2 km, rộng 19,5m, là hạng mục chính của dự án thành phần 1A. Gói thầu còn lại xây dựng đường dẫn ở hai đầu cầu, bao gồm các nút giao với tổng chiều dài 5,6 km. Khởi công vào tháng 9/2022, công trình có thời gian xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), sau 9 tháng khởi công, gói thầu cầu Nhơn Trạch hiện đạt hơn 32%, vượt tiến độ so với hợp đồng nhà thầu đã ký. Công trình đang có nguy cơ không đảm bảo tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo thông tin của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn giao 100% mặt bằng. Đồng Nai mới bàn giao mặt bằng khoảng 1.350/6.300m, đạt 21,4%. Phần mặt bằng này bao gồm 640m đầu tuyến khu vực mặt nước sông Đồng Nai.
So với kế hoạch, giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3 ở Đồng Nai đã chậm khoảng 6 tháng. Nhà thầu đã huy động toàn bộ lực lượng, chia nhiều mũi thi công.
Cầu Nhơn Trạch sẽ khó đảm bảo tiến độ
Theo Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, tổng diện tích đất thu hồi làm dự án thành phần 1A trên địa bàn là hơn 49 ha với 468 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã chi đền bù cho 49 hộ với khoảng 7,5 ha.
Nguyên nhân khiến việc giải phóng mặt bằng chậm trễ chủ yếu là do xác định đơn giá đất. Huyện Nhơn Trạch đang phối hợp tư vấn lập chứng thư thẩm định giá để đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trong số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án có khoảng 218 trường hợp cần bố trí tái định cư. Hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho tất cả hộ dân đã hoàn thành. Đồng Nai sẽ đẩy nhanh thu hồi, dự kiến bàn giao đất cho dự án vào tháng 9/2023.
Dự án thành phần 1A Vành đai 3 có tổng chiều dài 8,7 km, kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng với chiều rộng 20-26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỉ đồng từ vốn ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.