Vướng mắc trong đấu giá tài sản thi hành án
Bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là hình thức mua bán đặc biệt, công khai đối với tài sản thi hành án nhưng đang tồn tại nhiều vướng mắc gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương ngày 24/11 vừa qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nêu một vụ việc đáng chú ý về tài sản thi hành án bán đấu giá, giảm giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký tham gia, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của công tác thi hành án.
Công ty CP Container Quốc tế CAS (CAScon) ở Khu công nghiệp Lai Vu(Kim Thành) phải trả 1.550 tỷ đồng cho Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCB) khoản nợ gốc theo hợp đồng tín dụng. Tài sản bảo đảm cho vay là toàn bộ quyền sử dụng đất, nhà xưởng, máy móc, thiết bị của công ty. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thẩm định giá là 296 tỷ đồng, giảm giá, bán đấu giá lần thứ 5 song vẫn không có người đăng ký mua và đang phải tiếp tục bán lần 6.
Một trường hợp khác là vụ việc Công ty CP Đóng tàu Hoàng Gia ở xã Kim Liên (Kim Thành) phải trả cho Ngân hàng Thương mại CP Đông Á hơn 82,8 tỷ đồng (tính đến ngày 24/8/2017). Tài sản bảo đảm khoản vay đã giảm giá, bán đấu giá 4 lần (tính đến cuối tháng 10/2023) nhưng chưa thành.
Theo Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự tỉnh) nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc trong đấu giá tài sản thi hành án là do tâm lý của người mua e ngại khi mua tài sản bán đấu giá phải trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp. Vì vậy, một số trường hợp tài sản kê biên được định giá sát với mức giá thị trường, thậm chí là thấp hơn nhưng khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn không có người đăng ký.
Tài sản bán đấu giá thi hành án hiện rất đa dạng, trong đó có tài sản mang tính đặc thù (máy móc thiết bị) rất hạn chế người đăng ký mua. Đồng thời, việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án lại được thực hiện rất chặt chẽ theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, một số trường hợp cơ quan thi hành án phải bán đấu giá, giảm giá nhiều lần mới có thể giải quyết dứt điểm. Tình trạng này ảnh hưởng đến thời gian thi hành án, giảm giá trị thu hồi nợ, tăng nguy cơ tổn thất cho các tổ chức tín dụng.
Một số trường hợp sau khi bán đấu giá thành công, người phải thi hành án có thái độ bất hợp tác, không bàn giao tài sản. Các chấp hành viên của cơ quan thi hành án phải thuyết phục, vận động, thậm chí tổ chức cưỡng chế để giao cho người trúng đấu giá.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, thực tế việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án liên quan tới hệ thống tín dụng, ngân hàng đang chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ việc phải thi hành án. Tuy nhiên còn nhiều vướng mắc trong quá trình định giá, đấu giá tài sản bảo đảm khoản vay. Nhiều tài sản được thế chấp của các doanh nghiệp đến khi xử lý khấu hao thì tài sản không còn nhiều giá trị sử dụng để bảo đảm thu khoản nợ cho tổ chức tín dụng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, người đại diện theo pháp luật thay đổi hoặc trốn tránh.
Mặc dù Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể về việc bán đấu giá tài sản thi hành án, nhưng thực tiễn áp dụng các quy định liên quan vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, cần tiếp tục hoàn thiện.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự, một số ý kiến cho rằng cần có quy định riêng đối với việc bán đấu giá tài sản thi hành án có tính chất đặc thù; đồng thời rút ngắn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức đấu giá tài sản, cơ quan thi hành án dân sự...
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vuong-mac-trong-dau-gia-tai-san-thi-hanh-an-366738.html