Vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy lợi
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thủy lợi có một số vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là việc chuyển đổi cơ chế từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi (DVTL).
Hoàn thiện hạ tầng
Thực hiện Luật Thủy lợi 2017, hạ tầng thủy lợi của tỉnh được chú trọng đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 - 2023, có 86 công trình, dự án thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, với kinh phí gần 3.215 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương gần 677,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 2.245 tỷ đồng và các nguồn khác. Nhờ đó, diện tích tưới gia tăng, hiện đạt gần 48,5/68 nghìn héc ta (đạt 71,2%). Cũng trong 5 năm qua, có 541km kênh mương được đầu tư kiên cố, với kinh phí gần 1.194 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 486 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 539 tỷ đồng và các nguồn khác), nâng tổng chiều dài hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh được kiên cố lên gần 2.514/4.300km (đạt 58,8%).
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hiệu quả thi hành Luật Thủy lợi 2017 còn được thể hiện qua việc phân cấp quản lý và khai thác 807 công trình đầu mối thủy lợi (127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn nhỏ và 140 trạm bơm nhỏ) cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và 201 tổ chức thủy lợi cơ sở (153 hợp tác xã nông nghiệp, 35 tổ hợp tác và 13 UBND xã, thị trấn). Đồng thời, chú trọng đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc thủy văn chuyên dùng tại 5 công trình đầu mối thủy lợi lớn và 23 hồ chứa nước. Qua đó, đảm bảo công trình được vận hành an toàn, hiệu quả.
Vẫn còn vướng mắc
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, Luật Thủy lợi 2017 được cụ thể hóa trong Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Trong đó, nội dung được kỳ vọng nhất là giá sản phẩm DVTL. Chính sách này đánh dấu bước ngoặt quan trọng chuyển từ cơ chế "phí" sang "giá", hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho ngành thủy lợi, cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, mục tiêu chuyển từ "phí" sang "giá" vẫn chưa đạt được do quy định chưa phù hợp với thực tế, thủ tục rườm rà, rủi ro pháp lý cao nên các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và cơ quan liên quan vẫn chưa thể xây dựng phương án giá DVTL tối đa, cụ thể theo Nghị định 96. Vì vậy, hiện nay, ngân sách vẫn đang hỗ trợ 100% tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi căn cứ theo mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước quy định, như hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất...
Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, giá DVTL chưa phản ánh đầy đủ và chính xác các thành phần chi phí mà chỉ được xác định theo ngân sách được cấp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thủy lợi phí không thay đổi kể từ năm 2012, trong khi chỉ số giá hiện nay đã tăng từ 2 - 2,5 lần, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Nếu tính theo định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí quản lý doanh nghiệp là 8 tỷ đồng/năm, nhưng công ty chỉ cân đối được 2,5 tỷ đồng/năm nên không có lợi nhuận để trích lập các quỹ phúc lợi, khen thưởng... Vì vậy, thu nhập của cán bộ, nhân viên và người lao động của công ty còn thấp, bình quân chỉ 5,6 triệu đồng/người/tháng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã 7 lần xây dựng, trình phương án giá lên các cấp thẩm quyền và Bộ Tài chính nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ngoài ra, quy trình và thủ tục ban hành giá DVTL cũng như chính sách hỗ trợ vẫn còn rườm rà. Một số nội dung quy định tại Nghị định 96 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa nhất quán, các khoản chi phí chưa được hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ phương án giá.
Vì vậy, Sở NN&PTNT đã tổng hợp, báo cáo và tham mưu văn bản để tỉnh trình các bộ, ngành trung ương kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 để phù hợp với thực tế, rõ ràng về pháp lý, nhằm tạo thuận lợi trong việc xây dựng và thực hiện phương án giá DVTL đảm bảo “đúng, đủ”. Qua đó, tạo thuận lợi trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần duy trì tính bền vững các công trình thủy lợi, gia tăng tính cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.
Bài, ảnh: M.HOA