Vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 01/2018 về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Quá trình tổ chức thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể còn nảy sinh những vướng mắc, nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong việc thực thi quy định pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong phạm vi bài viết cá nhân đề cấp đến vướng mắc và quan điểm trong việc thực hiện khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới được cụ thể hóa từ quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý, giáo dục người phạm tội.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định mới, chuyển từ hình thức chấp hành án tại các cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 66, Điều 106 Bộ luật hình sự, Điều 368 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Điều 57, 58, 59 Luật thi hành án hình sự, Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng điều 66 và Điều 106 của BLTTHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện (viết tắt là Nghị quyết số 01/2018), Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 9/2/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, VKSND tối cao quy định phối hợp thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 7/5/2018 quy định thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong CAND và nhiều văn bản hướng dẫn của liên ngành trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện đảm bảo được chính xác, kịp thời, công bằng, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể còn nảy sinh những vướng mắc, nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong việc thực thi quy định pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong phạm vi bài viết cá nhân đề cấp đến vướng mắc và quan điểm trong việc thực hiện khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018. Cụ thể:
Ví dụ: N.V.A bị TAND huyện B xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự (làm chết một người) có khung hình phạt từ 07 đến 14 năm tù, tại Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện B nhận định, đánh giá hành vi phạm tội của A. gây mất mát to lớn cho gia đình bị hại, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phươngvà xử phạt A, 5 năm 6 tháng tù quá trình chấp hành án phạt tù A. đã được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 1 lần bằng 8 tháng, việc thi hành án phí hình sự, dân sự, bồi thường thiệt hại đã thi hành xong. Đến thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đợt 1 năm 2023 A. còn phải chấp hành thời hạn án phạt tù còn lại là 1 năm 9 tháng 21 ngày.
Đối với trường hợp nêu trên có hai quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, A. đủ điều kiện để được xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện vì đã đáp ứng đầy các tiêu chí về thời hạn chấp hành án, đã được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, việc thực hiện các nghĩa vụ án phí hình sự, dân sự và bồi thường thiệt hại đã xong.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 66 Bộ luật hình sự quy định không áp dụng việc tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV (tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) do cố ý. Việc bản án hình sự nhận định, đánh giá hành vi phạm tội của A gây mất mát to lớn cho gia đình bị hại, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phươngkhông ảnh hưởng đến việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho A. vì hành vi phạm tội của A. chỉ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phương tại thời điểm A. phạm tội, thời điểm xét tha tù hành vi của A. không ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương nữa, việc khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 quy định: “Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội...” là chưa phù hợp gây bất lợi cho người phải chấp hành án và không nên áp dụng trong trường hợp này.
Thứ hai, không xem xét đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho A, vì bản án đã nhận định, đánh giá hành vi phạm tội của A gây mất mát to lớn cho gia đình bị hại, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phương, mặc dù các điều kiện khác A đã đủ nhưng đối chiếu theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 thì cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần gia đình bị hại nếu A. được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Mặt khác hành vi phạm tội của A. thuộc trường hợp rất nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, làm chết một người có khung hình phạt từ 07 đến 14 năm tù theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Như vậy, việc nhận thức “không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” khi xét tha tù trước thời hạn cho người chấp hành án còn có nhiều quan điểm khác nhau, phục thuộc vào quan điểm đánh giá của các cơ quan Thi hành án hình sự, Viện kiểm sát, Tòa án và người nghiên cứu.
Quan điểm của cá nhân của người nghiên cứu:
Thứ nhất, không đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng việc bản án nhận định hành vi phạm tội của A. chỉ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại địa phương tại thời điểm A. phạm tội, còn thời điểm xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện không thể căn cứ vào việc bản án nhận định như trên mà không tha tù trước thời hạn cho A. và cho rằng quy định của khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 gây bất lợi cho người phải chấp hành án.
Thứ hai, đồng ý với quan điểm thứ hai, vì khi xem xét việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, Cơ quan Thi hành án hình sự, Viện kiểm sát, Tòa án cần xem xét, đánh giá toàn diện về tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của người chấp hành án trước đây, cũng như khách thể mà hành vi phạm tội xâm phạm là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được luật hình sự bảo vệ, những vấn đề tiềm ẩn như nhân thân người chấp hành án, quá trình giải quyết vụ án phát sinh mâu thuẫn, căng thẳng giữa người phạm tội và phía gia đình bị hại, việc gia đình bị hại không đồng ý với tội danh, mức án mà Tòa án đã xét xử đối với người phạm tội, cũng như việc bồi thường thiệt hại, ý thức ăn năn, hối cải của người phạm tội tại thời điểm xét xử, giải quyết vụ án cũng như quá trình tu dưỡng, rèn luyện, cải tạo của người chấp hành án nhằm đảm bảo việc tha tù trước thời hạn vừa thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương khi người đó được tha tù.
Trên đây là vấn đề vướng mắc liên quan đến việc vận dụng, thực hiện quy định của khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 rất mong được sự tham gia góp ý của đồng nghiệp và bạn đọc.