Vướng mắc trong xử phạt các hộ gia đình vô ý để xảy ra cháy
Hiện nay, theo quy định hiện hành, việc vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình bị xử phạt từ 300 ngàn đến 5 triệu đồng (tùy mức độ hậu quả). Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do mà việc xử phạt này rất khó thực hiện.
Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy (trong đó có 1 vụ cháy hộ gia đình, ngoài ra còn có 22 đám cháy được lực lượng tại chỗ dập tắt), hiện đã điều tra làm rõ nguyên nhân 10 vụ cháy, từ đó xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ với tổng số tiền 96,6 triệu đồng. Tuy nhiên, cả 4 vụ bị xử phạt đều là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh..., chưa có hộ gia đình nào bị xử phạt hành chính với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ.
* Vì sao khó xử lý?
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các vụ cháy, nổ tại hộ gia đình là vướng mắc tồn tại từ lâu. Vì hiện nay, theo quy định tại Điều 47, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình chỉ áp dụng mức phạt tiền, mà nhiều vụ cháy hộ dân gây thiệt hại về tài sản, chủ hộ không còn khả năng để nộp phạt.
Mức xử phạt đối với hộ gia đình vô ý vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau: từ 300-500 ngàn đồng nếu xảy ra cháy nhưng chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại dưới 25 triệu đồng; từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng nếu gây thiệt hại từ 25-50 triệu đồng; từ 2-5 triệu đồng nếu gây thiệt hại trên 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo công an các địa phương, quá trình thống kê thiệt hại cháy tại các hộ gia đình chủ yếu là do chủ nhà tự kê khai chứ không có cơ quan nào thẩm định. Trừ những trường hợp chủ nhà có mua bảo hiểm cháy, nổ thì đơn vị bán bảo hiểm sẽ có thống kê, giám định thiệt hại. Vì vậy, căn cứ thiệt hại để xử phạt là rất “vô chừng”.
Hiện nay, tại Điều 9, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC cũng chỉ đặt ra điều kiện an toàn về PCCC đối với hộ gia đình rất chung chung như: nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về PCCC. Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về PCCC. Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình.
Trong khi đó, các hộ dân không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC. Theo Điều 9, Nghị định 79/2014/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát PCCC chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn người dân chú ý an toàn. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình điều kiện khó khăn, nhà ở chật hẹp, rất khó để thực hiện các điều kiện theo quy định nêu trên; khi có sự cố cháy, nổ các hộ gia đình này cũng không đủ khả năng nộp phạt.
* Cần bổ sung hình thức xử phạt khác
Trước những vướng mắc nêu trên, thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Chính phủ bổ sung hình thức phạt “cảnh cáo” đối với các vụ cháy, nổ xảy ra tại hộ gia đình. Từ đó, thuận tiện cho công tác xử lý khi chủ hộ gia đình không có khả năng để thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính và mang tính răn đe.
Đồng thời, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cũng cho biết, theo Khoản 1, Điều 4, Thông tư 10/2015/TT-BCA ngày 11-2-2015 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì khi quyết định hình thức xử phạt tiền, người có thẩm quyền phải căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để quyết định mức tiền phạt cho phù hợp.
Luật sư Ngô Văn Định phân tích, tại Khoản 1, Điều 9, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ, người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Do đó, có thể xem việc chủ hộ hoặc người trong hộ gia đình có những hành động chữa cháy bước đầu, hô hoán cho người xung quanh thoát ra... là đang ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả. Bên cạnh đó, khi ngôi nhà của họ bị thiêu rụi, có thể mất mát cả người thân, phải đối mặt cảnh màn trời chiếu đất, vậy nên chăng cần bổ sung hình thức xử phạt sẽ mang tính nhân văn hơn mà vẫn có yếu tố răn đe.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xử phạt với hộ gia đình để xảy ra cháy là điều cần thiết vì giúp cảnh tỉnh người dân trước nguy cơ cháy, nổ hiện hữu. Tuy nhiên, nên bổ sung mức phạt “cảnh cáo” nếu chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại dưới 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, có thể tăng mức phạt nếu chủ hộ, người trong nhà không có những hành động hô hoán báo cho các hộ xung quanh, cố gắng chữa cháy bước đầu hoặc cản trở việc chữa cháy.