Vướng mắc xử lý hình sự sai phạm trong BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
Đã hơn một năm kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi (BLHS) có hiệu lực thi hành, trong đó bổ sung nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, nhưng đến nay vẫn chưa có vụ án nào trong lĩnh vực này được khởi tố, dù cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã gửi hơn 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn nên quy định của BLHS sửa đổi chưa thể bảo đảm áp dụng thống nhất.
Gặp khó trong quá trình xử lý
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trước năm 2016, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) gia tăng, xảy ra ở tất cả các khâu, như: Lập tờ khai cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian công tác, thời gian tham gia BHXH; thu, nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, sử dụng khoản tiền đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT không đúng quy định… Việc này không chỉ gây thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT mà còn gây ảnh hưởng đến an toàn xã hội.
Từ năm 2016 đến nay, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện… Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều.
Trước thực trạng trên, BLHS số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 đã bổ sung một trong những nội dung quan trọng là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215) và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).
Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ thể hiện các hành vi vi phạm này có tính chất phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến mức phải dùng loại chế tài nghiêm khắc nhất – chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn một năm BLHS sửa đổi có hiệu lực, cơ quan BHXH đã chuyển 43 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo BLHS, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do một số vướng mắc khi triển khai BLHS trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao, cho biết: “Ở góc độ thi hành BLHS, sau hơn một năm Bộ luật có hiệu lực thi hành, chúng ta chưa khởi tố vụ án nào, dù cơ quan BHXH đã gửi gần 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra; một trong những nguyên nhân quan trọng là do quy định của BLHS còn có những điểm chưa cụ thể, chưa chi tiết, cần phải có văn bản hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất, nếu không sẽ vướng mắc khi triển khai vào thực tiễn”.
Cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn
Qua thực tiễn thi hành pháp luật hình sự thời gian qua, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam, cho rằng, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm như: Dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thống nhất cách hiểu khái niệm “trốn đóng”, hành vi “Gian dối” và “Thủ đoạn khác”; hồ sơ, tài liệu cần thiết phục vụ công tác điều tra tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quy trình chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an; vai trò cơ quan BHXH trong thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự…
Ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao, cũng đề xuất, Nghị quyết cần hướng dẫn để thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt trong các điều luật, như: Gian lận BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…
Đối với tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp cần xác định rõ phạm vi BHXH bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, xác định thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm và hướng dẫn cụ thể việc xác định số tiền chiếm đoạt…
“Trường hợp, người thực hiện hành vi chiếm đoạt được số tiền từ 10 triệu đồng trở lên cho mỗi lần thực hiện mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay cả trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần khác nhau, mỗi lần đều dưới 10 triệu đồng nhưng tổng số tiền chiếm đoạt trên 10 triệu đồng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”, ông Tùng nêu ví dụ.
Đối với tội gian lận BHYT cũng cần phải làm rõ chiếm đoạt tiền BHYT đối với những loại chế độ nào, các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng là chi phí gì. Đồng thời, xác định rõ phạm vi xử lý tội trốn đóng BHXH tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự chỉ là BHXH bắt buộc, không điều chỉnh BHXH tự nguyện và hướng dẫn cụ thể việc không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên là 06 tháng liên tiếp hay không liên tiếp.
Mặc dù Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội quy định không xử lý hình sự đối với tội phạm mới quy định tại Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự với hành vi thực hiện trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng nên nhắc lại và xác định rõ hướng xử lý bằng biện pháp hành chính hay dân sự. Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ thì xác định đây là khoản nợ đọng và giải quyết theo quy định về quản lý thu bảo hiểm.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:
Trong quá trình triển khai các quy định trong việc xử lý hình sự, BHXH Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, hiện nay các văn bản hướng dẫn chưa có, chưa rõ địa vị pháp lý của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tham gia các thủ tục tố tụng.
Thứ hai, cũng chưa có văn bản hướng dẫn chung của cơ quan nhà nước về việc thực hiện. Thứ ba, trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều khái niệm, hành vi, tình tiết cũng cần được thống nhất thực hiện.
Cuối cùng, hiện nay cơ quan BHXH đang thực hiện việc chuyển hồ sơ của các đơn vị sang cơ quan điều tra theo quy định, nhưng đến nay cũng chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về danh mục hồ sơ, tài liệu.