Vướng mặt bằng, dự án đường hơn 500 tỷ ở Quảng Bình nguy cơ không kịp 'về đích'

Sau gần 2 năm triển khai, mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A có vốn đầu tư hơn 500 tỷ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm vì một số hộ dân chưa đồng thuận giá đền bù và chậm trễ trong xây dựng khu tái định cư.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A dài 10,83km, do Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, gồm hai thành phần: Đoạn tránh thị xã Ba Đồn dài 5,75km và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh dài 5,07km.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định ngày 30/12/2022, với tổng mức đầu tư 511,154 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào 31/12/2024.

Sau gần 2 năm triển khai, mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: H.Vũ

Sau gần 2 năm triển khai, mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: H.Vũ

Được triển khai từ năm 2022, đến nay dự án đã giải ngân đạt khoảng 65%. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư nên dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ.

Cụ thể, tại nút giao đầu tuyến (giao quốc lộ 1A) thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải giải tỏa, thu hồi đất ở và bồi thường tài sản trên đất.

Hiện chính quyền đã công khai phương án bồi thường nhưng chưa phê duyệt do chưa hoàn thành khu tái định cư, các hộ dân chưa thống nhất phương án với lý do giá bồi thường đất ở thấp, không phù hợp với mặt bằng giá chung.

Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hóa hiện còn 0,42km vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hải Sâm

Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hóa hiện còn 0,42km vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hải Sâm

Tại nút giao đường Nguyễn Trãi (Km 1 + 643), phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn), có 6 hộ bị ảnh hưởng, phạm vi chiều dài tuyến 0,45km. Vướng mắc chủ yếu do việc bổ sung phạm vi đất khai hoang trước đây cho các hộ dân nên phải điều chỉnh các thủ tục liên quan.

Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hóa (nằm trong dự án thành phần 2) hiện còn 0,42km vướng GPMB, tái định cư kéo dài từ năm 2022 đến nay.

Phạm vi vướng mặt bằng gồm 13 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất (trong 13 hộ bị ảnh hưởng có 4 trường hợp tái định cư, 2 trường hợp bồi thường bằng đất ở và 7 trường hợp giao thêm đất ở tái định cư).

Đến nay, sau 4 lần tổ chức, đã có 9/13 trường hợp thuộc đối tượng được bố trí tái định cư tiến hành bốc thăm và đã có 5 trường hợp nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Gia đình ông Lê Văn Nuôi (SN 1941, ở thôn Tân Thị, xã Cảnh Hóa) là một trong những hộ chưa đồng ý với phương án đền bù. Bên cạnh ngôi nhà đang ở, ông bà cũng cho các con trai làm nhà trong mảnh đất mà ông đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Gia đình ông Nuôi chưa đồng ý với phương án tái định cư. Ảnh: Hải Sâm

Gia đình ông Nuôi chưa đồng ý với phương án tái định cư. Ảnh: Hải Sâm

“Gia đình chúng tôi được đền bù 350 triệu, còn gia đình con trai được “mua” một mảnh đất ở khu tái định cư với giá khoảng 300 triệu đồng. Khoản tiền này lớn so với khả năng của gia đình nên chúng tôi chưa đồng ý. Nguyện vọng của tôi là gia đình con trai được cấp đất mà không cần phải nộp tiền và tăng tiền đền bù lên cho chúng tôi”, ông Nuôi nói.

Về vấn đề này, ông Ngô Đức Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở GTVT Quảng Bình) cho biết, nhà ông Nuôi nằm sát chân công trình, điểm đánh dấu đỏ trên sân nhà là chân của mái taluy nên được tính vào trường hợp được bồi thường chứ không phá dỡ nhà.

“Ông Nuôi muốn được cấp đất không nộp tiền sử dụng đất cho con trai là không thể được vì gia đình ông không nằm trong diện thu hồi đất ở. Trường hợp này, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt, có tình có lý nhất để đền bù hơn 600 triệu đồng, bao gồm nhà và các tài sản khác (không phải 350 triệu như thông tin gia đình cung cấp - PV).

Ngoài ra, gia đình ông Nuôi còn được ưu tiên một mảnh đất trong khu tái định cư nhưng phải nộp tiền quyền sử dụng đất với giá đất của tái định cư”, ông Thịnh cho biết.

Cầu vượt quốc lộ 1A chưa thể lao lắp dầm do người dân chưa đồng thuận. Ảnh: H.Vũ

Cầu vượt quốc lộ 1A chưa thể lao lắp dầm do người dân chưa đồng thuận. Ảnh: H.Vũ

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cùng đoàn công tác đã đến hiện trường kiểm tra tiến độ dự án. Theo ông Huy, thời hạn bố trí vốn không được kéo dài, hết năm nay nếu dự án không xong thì không thể bố trí tiếp. Nếu trước ngày 15/9 không hoàn thành GPMB thì không xong được dự án.

Liên quan đến dự án này, trước đó, Bộ GTVT vừa gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ giải quyết vướng mắc về mặt bằng của dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A được Bộ GTVT phê duyệt trên cơ sở cam kết của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư.

Cụ thể, địa phương cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho Sở GTVT Quảng Bình thực hiện GPMB đúng tiến độ và chịu trách nhiệm nếu dự án triển khai không đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch nói: “Dự án kéo dài nhiều năm nay, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn nên huyện đang tập trung để tháo gỡ”.

Hải Sâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vuong-mat-bang-duong-hon-500-ty-o-quang-binh-nguy-co-khong-kip-ve-dich-2315146.html