Vướng mặt bằng, đường dây 500 kV mạch 3 phải lùi thời gian đóng điện
Do việc bồi thường giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao nên dự kiến đến cuối năm nay mới đóng điện các dự án này.
Các dự án đường dây 500 kV mạch 3 bao gồm 3 dự án: Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2.
Đường dây có chiều dài 742 km, với tổng số 1.606 vị trí cột, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi; đồng thời tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam.
Tuy nhiên do việc bồi thường giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao nên dự kiến đến cuối năm nay mới đóng điện các dự án này.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) - đơn vị thay mặt Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý dự án) - nhằm giải thích về các vướng mắc xung quanh dự án này.
- Xin ông cho biết đến thời điểm hiện nay, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đường dây 500 kV mạch 3 ra sao ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Đến thời điểm đầu tháng 7 này, phần móng đã bàn giao được 1.503 vị trí, đạt 93,6% kế hoạch.
Các địa phương đã bàn giao 100% gồm: Gia Lai (99 vị trí), Kon Tum (163 vị trí), Thừa Thiên-Huế (227 vị trí); các địa phương còn lại như: Thành phố Đà Nẵng (71 vị trí) đạt 99%, Quảng Bình (303 vị trí) đạt 97%, Quảng Ngãi (183 vị trí) đạt 93%, Quảng Trị (180 vị trí) đạt 91%, Hà Tĩnh (59 vị trí) đạt 83% và Quảng Nam (218 vị trí) đạt 81%.
3 địa phương chậm nhất trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng các đường dây 500 kV mạch 3 là Quảng Nam, Quảng Trị và Hà Tĩnh.
Với tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù tỷ lệ móng đạt 93% nhưng vướng mắc vẫn kéo dài liên quan đến mở rộng trạm biến áp (TBA) 500 kV Dốc Sỏi.
Tại đây, tất cả các hộ dân trong mặt bằng đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, còn các hộ dân ở phía ngoài có diện tích khoảng 2,47 ha ruộng yêu cầu đền bù để di chuyển.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT đã làm việc với tỉnh và được đồng thuận, nhưng khi huyện Bình Sơn trình văn bản để thu hồi, các Sở ban ngành tham mưu cho tỉnh không đủ điều kiện để thu hồi và yêu cầu phải làm tất cả các thủ tục khác, có nghĩa là làm kênh mương, đường đi để cho người dân ở đây đủ điều kiện sản xuất.
Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, huyện tổ chức họp thông báo với các hộ dân thì người dân vẫn không đồng tình, yêu cầu phải đền bù và họ chắn đường đi vào khu vực thi công. Lực lượng địa phương đã tổ chức bảo vệ thi công, tháo rào chắn nhưng người dân lại dựng hàng rào kiên cố hơn.
Trên cơ sở đó, CPMB cùng EVNNPT đã làm việc với tỉnh, đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo nhưng vẫn không có kết quả. Tôi cho rằng, nếu giải quyết được nút thắt này thì khi bảo vệ thi công trong vòng khoảng hai tuần nữa, toàn bộ phần vật tư, thiết bị để đưa vào trạm cũng như phần thi công trong trạm sẽ đảm bảo tiến độ.
Với tỉnh Hà Tĩnh, còn lại 12 vị trí nhưng có đến 8 vị trí đi qua khu giáo dân; trong đó có 3 vị trí đi qua khu dân cư, người dân đã tự ý xây dựng mới, tách thửa.
Thời gian vừa qua chính quyền địa phương thị xã Kỳ Anh đã làm việc với giới chức khu vực, đồng thời tiến hành kiểm kê và dừng việc xây dựng mới.
Vừa qua chúng tôi đã làm việc với tỉnh và thị xã để thống nhất giải quyết triển khai trước 5 vị trí trên ruộng lúa, còn 3 vị trí khu dân cư phải làm đầy đủ các thủ tục để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khu vực giáo xứ.
Với tỉnh Quảng Nam, mặc dù tại thời điểm Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng họp tại thành phố Đà Nẵng (ngày 6/3), tỉnh cam kết bàn giao mặt bằng móng dứt điểm trong tháng 4/2020.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, tỉnh mới bàn giao được 218 vị trí, đạt khoảng 81%. Đây là địa phương giao mặt bằng thấp nhất, với khối lượng còn lại rất lớn và đồng thời phần hành lang tuyến để phê duyệt trả tiền chậm.
Để giải quyết tình trạng chậm trễ này, chúng tôi gần như thường xuyên trao đổi, làm việc với các huyện nhằm tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan đến phê duyệt giá đất, các thủ tục trình phê duyệt cũng như xác định nguồn gốc đất, đặc biệt là đất rừng và một số kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết.
Về giải phóng mặt bằng phần móng, tôi cho rằng nếu tập trung giải quyết cao độ thì trong tháng 7 này gần như các vị trí móng phải bàn giao, các địa phương còn vướng mắc ở một số điểm sẽ tập trung giải quyết dứt điểm chậm nhất trong tháng 8/2020.
Về phần hành lang tuyến, các địa phương đã bàn giao được 729 khoảng cột, đạt 45,3%, các tỉnh bàn giao cao nhất theo thứ tự: Tỉnh Kon Tum 148 khoảng cột, đạt 90%; Quảng Bình 234 khoảng cột, đạt 75%; Hà Tĩnh 41 khoảng cột, đạt 58%; Gia Lai 56 khoảng cột, đạt 56%; Quảng Ngãi 76 khoảng cột, đạt 39%; Quảng Nam 45 khoảng cột, đạt 16%; Thừa Thiên Huế 77 khoảng cột, đạt 34%; Quảng Trị 51 khoảng cột, đạt 25% và thành phố Đà Nẵng được 1/71 khoảng cột.
Trên cơ sở tiến độ bàn giao mặt bằng như vậy, phần đào đúc móng được 1.311 vị trí, đạt khoảng 82%, còn dựng cột mới được 906 vị trí, đạt 60%.
Khối lượng vật tư thiết bị của dự án này phục vụ công tác kéo dây cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đáp ứng tiến độ, các loại cột thép, vật liệu cách điện từ Thụy Sỹ, Nga và Tây Ban Nha đang giao những chuyến hàng cuối cùng. Mặc dù dự án chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng CPMB cũng tìm mọi cách đôn đốc các nhà thầu hỗ trợ tối đa.
Một gói thầu về tụ điện theo hợp đồng đến tháng 10 mới về đến Việt Nam, nhưng sẽ có một số chuyến hàng từ Mỹ chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với tiến độ cấp vật tư thiết bị và tiến độ thi công như hiện nay, chúng tôi cố gắng điều hành để làm sao đảm bảo đóng điện các dự án trong Quý VI/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, chúng tôi dự kiến sẽ đóng điện trước đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2 trong đầu Quý 4/2020.
- Từ thực tế này, xin ông cho biết trong quá trình triển khai xây dựng các dự án truyền tải thường gặp những khó khăn gì ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Như đã nói ở trên, trong thời gian qua, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án này, kể cả các dự án năng lượng tái tạo thì chúng tôi cũng phải làm đúng theo trình tự quy định của chế độ chính sách, với cách làm là tăng cường vận động và phối hợp nhiều cấp vận động để người dân hiểu, chấp hành.
Với các chủ đầu tư bên ngoài khi đảm nhận thi công các công trình điện thì thủ tục đơn giản hơn, tất cả các thủ tục phê duyệt của họ rất nhanh mặc dù chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng cũng giống nhau.
Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ thêm của họ linh động hơn, trong khi chính quyền các địa phương khi phê duyệt phương án bồi thường cho nhà đầu tư thì cũng phải theo quy định.
Năm nay CPMB có kế hoạch đóng điện 28 dự án và khởi công 12 dự án với khối lượng đầu tư hơn 5.984 tỷ đồng, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng điều hành để vượt kế hoạch này, tăng khoảng 104%.
- Ngoài các dự án đường dây mạch 3, CPMB còn triển khai các dự án nào cũng đang vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng ?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Với đường dây 220 kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn, chúng tôi đã tập trung đóng điện trước đoạn Quy Nhơn-Phù Mỹ vào cuối năm 2018.
Đoạn từ Phù Mỹ đến Quảng Ngãi đã chậm tiến độ 18 tháng, vướng mắc kéo dài chỉ còn 1 khoảng néo từ vị trí 18-21, có 6 hộ dân kiên quyết không nhận tiền. Địa phương đã 2 lần tổ chức cưỡng chế nhưng không thành công.
Văn phòng Ban Chỉ đạo phát triển điện lực, EVN, EVNNPT và CPMB đã nhiều lần làm việc và báo cáo địa phơơng các cấp nhưng vẫn không được tháo gỡ, trong khi vẫn yêu cầu tiếp tục tuyên truyền vận động.
Địa phương cấp huyện đã đề xuất bố trí đất và tăng mức hỗ trợ di dời, nhưng các Sở ban ngành tham mưu tỉnh không đồng tình vì không đủ cơ sở theo quy định.
Tôi đã từng kiến nghị trong trường hợp không giải quyết mức hỗ trợ, địa phương phải bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế để cho đơn vị thi công triển khai nhưng đến nay đoạn tuyến này vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án này chính là cấp điện cho Quảng Ngãi, nhưng tỉnh lại không kiên quyết gỡ vướng mắc
- Ngoài vướng mắc trên thì vướng mắc phải chuyển đổi đất rừng cũng là một thực tế đang diễn ra ở không ít các dự án truyền tải điện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Theo tôi, trước hết là thủ tục chuyển đổi đất rừng rất phức tạp. Đầu tiên là từ tư vấn điều tra xong đến các Chi cục Kiểm lâm xác định các loại rừng báo cáo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Chính phủ.
Tuy nhiên để Chính phủ quyết định thì các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường phải có ý kiến tham mưu. Thủ tục này thường kéo dài.
Chúng tôi có những dự án 2 năm chưa xong thủ tục chuyển đổi đất rừng là các dự án giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực phía Tây Bắc, gồm Trạm biến áp Nghĩa Lộ và đường dây Nghĩa Lộ - Việt Trì, đường dây Huội Quảng - Nghĩa Lộ.
Cho đến vừa rồi tất cả các tỉnh mới trình lại thủ tục cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các dự án này phải có quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nghĩa là quy hoạch điện phải đi đôi với quy hoạch sử dụng đất.
Nếu Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mà các dự án này không có trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh thì phải làm lại, bổ sung ngay từ đầu.
Do đó, vừa rồi chúng tôi cũng báo cáo Tổng Công ty trong tổng số 8 dự án truyền tải bắt đầu triển khai phải dành một khoảng đất để cho ngành năng lượng. Đơn cử một số địa phương như tỉnh Ninh Thuận đã dành vài trăm hecta đất cho phát triển năng lượng, khi có dự án thì chỉ cần bổ sung danh mục nên rất thuận lợi.
-Xin cảm ơn ông !