Vướng mặt bằng, nhiều công trình phải thi công cầm chừng

Công trình tuyến đường số 14 đang vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Ảnh: NHƯ THANH

Thời gian qua, nhiều dự án có tính chiến lược, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh được triển khai. Song công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng mắc, công trình phải kéo dài trong nhiều năm. Điều này ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến chất lượng, tiến độ cũng như cuộc sống của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng từ các dự án.

Không có mặt bằng sạch

Nút giao quốc lộ 25 với đường dẫn đầu cầu Dinh Ông (bước 2) được triển khai thi công từ năm 2020. Đến nay, nhà thầu thi công hoàn thành nền đường, móng cấp phối đá dăm, phần mở rộng đường dẫn cầu Dinh Ông và một số vị trí mở rộng quốc lộ 25 đã được bàn giao mặt bằng; giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 44% hợp đồng. Công trình có 20 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng về GPMB. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong quý II năm nay. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Theo Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư công trình), công trình đường từ Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 đến bắc cầu Đà Nông (giai đoạn 2) tuy chỉ dài 1,2km nhưng phải liên tục tạm ngừng thi công hoặc thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 55 tỉ đồng, được triển khai từ tháng 5/2019 do Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai đảm nhận thi công. Công trình hoàn thành sẽ gỡ bỏ được nút thắt cổ chai trên toàn tuyến, tạo điều kiện đi lại an toàn cho người dân. Theo kế hoạch, đến ngày 30/4, công trình này sẽ hoàn thành và thông xe. Thế nhưng, chạy dọc theo 1,2km công trình, nhà thầu vẫn phải triển khai thi công kiểu “da beo” trên các đoạn mặt bằng có sẵn.

Tình trạng vướng GPMB cũng đang xảy ra trên công trình tuyến đường số 14, đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến Độc Lập, TP Tuy Hòa. Tuyến đường có chiều dài trên 2km, vận tốc thiết kế 60km/giờ, tổng mức đầu tư trên 235 tỉ đồng. Tuy nhiên, 475m trên tuyến đường này thuộc địa phận xã Bình Kiến chưa thể thi công do không có mặt bằng sạch.

Nguyên nhân của việc chậm trễ trong công tác đền bù GPMB là do người dân không đồng tình trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi bị thu hồi đất. Người dân thường so sánh mức đền bù giữa dự án này với dự án khác rồi cho rằng, mức đền bù của địa phương đưa ra là thấp hơn nên họ không đồng ý.

Gỡ khó, tạo mặt bằng thông thoáng

Công trình chậm tiến độ, thi công nham nhở không chỉ khiến chủ đầu tư, đơn vị thi công đau đầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trong vùng dự án triển khai. Anh Nguyễn Văn Tín ở phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa cho biết: Lúc công trình triển khai, ai cũng mừng vì nghĩ rằng sẽ có đường khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng, nắng bụi, mưa sình là cảnh xảy ra nhiều năm liền trên tuyến đường từ Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 đến bắc cầu Đà Nông. Vừa qua, bên trái tuyến đường được thảm nhựa, người dân đi lại cũng thuận tiện hơn, nhưng phía bên phải tuyến thì vẫn chưa đâu vào đâu. Những ngày qua, trời mưa liên tục khiến con đường càng trở nên nhếch nhác.

Trong khi đó, theo các nhà thầu, dự án chậm tiến độ không chỉ tác động xấu đến đơn vị thi công mà ngay cả Nhà nước cũng chịu thiệt hại, vì để càng lâu càng phải bù giá, đội vốn công trình. Ngoài ra, dự án không thi công được thì nguồn vốn không thể giải ngân, Nhà nước không thể thu thuế doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều trong thời gian không có mặt bằng thi công, đó là khấu hao thiết bị, tiền trả lương cho công nhân hàng tháng...

Ông Phạm Văn Nhật, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai cho biết, những vị trí mặt bằng bị vướng trên công trình đường từ Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 đến bắc cầu Đà Nông (giai đoạn 2) khiến nhà thầu không thể thi công hệ thống thoát nước, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Bên cạnh đó, nếu trời mưa, công trình không có hệ thống thoát nước sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến chất lượng nhựa mặt đường. Hiện công trình vừa khai thác vừa thi công nên công tác đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cũng gặp nhiều khó khăn.

Để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công, các địa phương liên quan đã huy động lực lượng để đẩy nhanh tiến độ. Theo UBND TX Đông Hòa, thời gian qua, địa phương rất nỗ lực GPMB để triển khai dự án. Các bộ phận liên quan vẫn đang phối hợp cùng UBND phường Hòa Hiệp Nam huy động nhân lực để rà soát các thủ tục hỗ trợ, đền bù GPMB đúng quy định. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền để người dân có thể hiểu được các quy định của Nhà nước. Còn tại huyện Phú Hòa, để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công, UBND huyện đã ban hành các quyết định 1333, 1334, 1335/QĐ-UBND ngày 24/3/2022 về việc cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị liên quan triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ dự án. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày ra quyết định, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp cùng địa phương vận động, hỗ trợ người dân bàn giao mặt bằng, ổn định chỗ ở.

Theo ông Đàm Thanh Phong, Phó phụ trách Phòng Quản lý chất lượng 3, Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, khó khăn trong công tác GPMB là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại nhiều công trình trên địa bàn tỉnh. Điều này đã làm cho nhiều công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng, chi phí xây dựng và không phát huy được hiệu quả đầu tư công trình. Chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm hoàn thành các dự án.

Công trình vướng GPMB không chỉ tác động xấu đến đơn vị thi công mà ngay cả Nhà nước cũng chịu thiệt hại, vì để càng lâu càng phải bù giá, đội vốn công trình. Bên cạnh đó, công trình chậm tiến độ cũng sẽ không phát huy được hiệu quả đầu tư.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/273062/vuong-mat-bang-nhieu-cong-trinh-phai-thi-cong-cam-chung.html