Vướng mặt bằng, thi công tuyến đường bộ ven biển qua Nam Định gặp khó
Mặt bằng thi công tuyến đường bộ ven biển qua Nam Định vẫn còn khoảng hơn 2% chưa bàn giao, gây khó khăn cho dự án và nhà thầu.
Còn khoảng 0,87km mặt bằng chưa bàn giao
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Nam Định, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đã được UBND tỉnh Nam Định tổ chức khởi công vào tháng 9/2020.
Theo dự tính, đến hết năm 2021, dự án hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng đến nay, mới chỉ có huyện Nghĩa Hưng hoàn thành phần việc này, còn lại huyện Giao Thủy và Hải Hậu đã bàn giao thi công 33,62 km/34,575 km, đạt 97,23% khối lượng công việc.
Trong đó, huyện Giao Thủy còn khoảng 0,67km chưa bàn giao ngắt khúc tại 12 vị trí dân cư, liên quan 20 hộ tái định cư và 309m qua nhà một số hộ dân không vận chuyển vật tư, máy móc thiết bị vào thi công được; huyện Hải Hậu còn khoảng 0,2km chưa bàn giao liên quan đến 4 hộ dân.
Đối với các công trình công cộng tại huyện Giao Thủy hiện còn vướng 14 cột trung thế, 4 cột hạ thế, 19 cột VNPT, 5 cột Viettel chưa di chuyển.
Tại huyện Hải Hậu còn vướng xã Hải Lý 3 vị trí cột hạ thế, xã Hải Xuân 9 vị trí cột hạ thế chưa có mặt bằng để di chuyển và 1 trận địa SMPK12,7mm tại xã Hải Lý chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.
“
Theo Ban QLDA ĐTXD tỉnh Nam Định, hiện tiến độ thi công dự án tuyến đường bộ ven biển: Gói thầu số 1 giá trị thực hiện 800tỷ/957 tỷ đồng, đạt 83%; Gói thầu số 2 giá trị thực hiện 650 tỷ/887 tỷ đồng, đạt 73%.
Vốn đã bố trí cho dự án 1.908 tỷ đồng (vốn Trung ương 1.315 tỷ đồng; vốn Ngân sách địa phương là 593,575 tỷ đồng), đã giải ngân 1.658 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân năm 2023 là 250 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD tỉnh Nam Định cho biết, do tuyến trải dài, có sự thay đổi về chính sách bồi thường, hỗ trợ trong công tác GPMB, giá một số loại vật liệu tăng cao, thiếu nguyên vật liệu trong một số thời điểm... đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
"Mặc dù các nhà thầu đã tập trung nhân lực, xe, máy, vật tư, nhưng một số vướng mắc, nhất là công tác GPMB khiến việc thi công dự án tuyến đường bộ ven biển vẫn gặp khó khăn. Đến nay, vẫn còn khoảng 0,87km trong dự án chưa bàn giao, dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ bàn giao. Vướng mắc này đang chờ các ngành chức năng của tỉnh tháo gỡ", ông Phương nói.
Tập trung khắc phục nút thắt GPMB
Một cán bộ UBND huyện Giao Thủy cho biết, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Giao Thủy đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án về chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác bồi thường GPMB; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định phương án, dự toán bồi thường theo quy định.
"Đối với 20 hộ tái định cư chưa bàn giao được mặt bằng, Hội đồng GPMB huyện Giao Thủy đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá đất cụ thể. Đối với 309m mặt bằng thuộc quỹ đất công do UBND xã Giao Hà quản lý, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ huyện Giao Thủy đang xin ý kiến của các sở, ban ngành; dự kiến hoàn thành cưỡng chế trước ngày 15/5/2023", vị cán bộ huyện Giao Thủy nói.
Còn tại huyện Hải Hậu, một số hộ chưa đồng ý phương án bồi thường hỗ trợ công trình phụ trên đất nông nghiệp thuê của UBND xã; đề nghị hỗ trợ bồi thường tài sản trên đất UBND xã; một số hộ hiện đang tranh chấp dân sự giữa chủ hộ cũ và mới và chưa đồng ý về giá đất cụ thể.
"Các ban, ngành, đoàn thể đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời lắng nghe, giải quyết cụ thể những ý kiến của người dân để tạo sự đồng thuận bàn giao nốt mặt bằng thi công cho dự án", cán bộ UBND huyện Hải Hậu chia sẻ.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định có tổng chiều dài tuyến 65,58km, trong đó đầu tư xây dựng 50,98km (làm mới 38,02km; mở rộng, nâng cấp 12,96 km, các đoạn đi trùng QL37B, QL21 dài 14,6km không đầu tư xây dựng); Toàn tuyến thi công mới 3 cầu, 87 cống hộp lớn và cống thủy lợi.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11m, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Dự án khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của ba huyện ven biển; kết nối giao thông với các tuyến quốc lộ: 37B, 21, 21B; kết nối tuyến đường trục phát triển của tỉnh và TL490C, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ ven biển trong khu vực.
Tuyến đường sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển của tỉnh như khu du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng), Thịnh Long (huyện Hải Hậu).