Vương Nghi Thành - vua lừa crypto
Các cơ quan hành pháp phương Tây có một từ gọi riêng những vụ lừa đảo crypto do tội phạm châu Á thực hiện: 'mổ lợn'. Cũng giống như người đồ tể chờ con lợn lớn rồi mới mổ thịt, những kẻ lừa đảo ở châu Á sẵn sàng bỏ thời gian 'chăn dắt' nạn nhân đến lúc lừa được họ nhiều nhất.
Chỉ riêng ở Mỹ trong năm ngoái đã có 2,6 tỷ USD chảy vào túi những kẻ lừa đảo qua tiền ảo. Trong số các đối tượng đã được xác định nổi lên một nhân vật người Trung Quốc ở Thái Lan đã “bỏ túi” con số kỷ lục 9,1 triệu USD.
Vua lừa
Cái tên Vương Nghi Thành không có gì lạ với những người chơi crypto Thái Lan. Cứ có hội thảo về tiền ảo nào tổ chức tại Bangkok hay Chiềng Mai là Vương Nghi Thành cũng xuất hiện. Nếu hội thảo mà có sự tham gia của quan chức, sỹ quan cảnh sát, v.v... nữa thì anh ta chắc chắn sẽ tìm mọi cách tiếp cận và kết giao. Nhiều người chỉ biết Vương Nghi Thành giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội Trao đổi thương mại Thái-Á (HTTA) và nhiệt tình muốn mở rộng việc kinh doanh tiền ảo ở Thái Lan.
Không ai ngờ rằng Vương Nghi Thành là một tên lừa đảo “thượng thặng”. Hãng tin Reuters đã điều tra ra rằng tài khoản crypto của Thành đã nhận được 90 triệu USD trong năm 2022, trong đó có ít nhất 9,1 triệu USD là tiền lừa đảo được. Nhà nghiên cứu Lisa Wolk tại Viện Nghiên cứu tiền ảo TRM Labs (Mỹ) cho biết: “Vương Nghi Thành là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới lừa đảo và rửa tiền từ Mỹ đến Thái Lan. Chắc hẳn mạng lưới của hắn có quy mô khá lớn và được tổ chức chuyên nghiệp”.
Một trong những nạn nhân của mạng lưới lừa đảo do Vương Nghi Thành điều hành là một người đàn ông trung niên sống tại bang California, Mỹ. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 3/2022 khi nạn nhân nhận được tin nhắn từ một người phụ nữ tự xưng là “Emma”. Emma gửi cho ông một tấm ảnh bảo là chân dung của mình cùng lời mời chào kết bạn. Người đàn ông chấp nhận, thế rồi họ liên lạc với nhau hằng ngày qua tin nhắn trong suốt mấy tháng sau đó. Trong khoản thời gian đó Emma đã nhiều lần dụ được nạn nhân gửi những khoản tiền ảo bằng cách bảo là đem tiền đi đầu tư. Đến khi người nhà nạn nhân nhận ra mọi chuyện và đi báo cảnh sát, người đàn ông đã bị lừa mất 2,7 triệu USD.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang giữ một tập hồ sơ 72 trang về mạng lưới lừa đảo của Vương Nghi Thành. Luật sư Erin West từng xử lý hàng trăm vụ lừa đảo tiền ảo và có công giúp đỡ FBI điều tra về “vua lừa crypto Thái”. Nữ luật sư cho biết: “Cho dù Vương Nghi Thành có trực tiếp điều hành mạng lưới lừa đảo hay chỉ là một “bánh răng” cấp cao đi nữa, khó có thể chối từ rằng tổ chức tội phạm đã chọn hắn làm “khuôn mặt” của chúng. Tội phạm lừa đảo tài chính luôn muốn đặt “một chân” ngoài “ánh sáng”. Chỉ riêng việc có người đại diện công khai thôi cũng giúp chúng luồn lách luật pháp... Bọn lừa đảo sẽ dùng chính điểm yếu của bạn để lừa bạn. Một thân chủ của tôi đã tự tử sau khi mất hết tiền tiết kiệm vào tay bọn lừa đảo, còn một người khác thì tự tử bất thành”.
Vương Nghi Thành mở tài khoản tiền ảo trên sàn giao dịch Binance lớn nhất thế giới. Đến nay Crypto vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về Thành mà chỉ cho biết họ đang tăng cường các biện pháp chống lừa đảo trên sàn giao dịch. Mới đây Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu từ Binance 112 triệu USD liên quan đến một vụ lừa đảo khác.
Theo các chuyên gia về lừa đảo, kiểu lừa đảo “mổ lợn” xuất phát từ Trung Quốc, nhưng sau khi Bắc Kinh cấm giao dịch tiền ảo thì đa số vụ “mổ lợn” có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Các tổ chức tội phạm vừa lừa đảo tiền ảo, vừa sử dụng chính số tiền đó để buôn bán hàng cấm như ma túy và súng đạn. Nhiều băng đảng còn buôn người để lừa đảo - chúng chào mời công việc lương cao ở Phillipines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan v.v... Người nhẹ dạ ký hợp đồng xuất khẩu lao động với chúng là sẽ bị chúng đưa sang nước khác bằng máy bay. Đến lúc này họ mới “ngã ngửa” là mình bị lừa và buộc phải đi lừa những người khác ở cách họ hơn nửa vòng trái đất.
Các nhà điều tra đã lần theo dòng tiền của Vương Nghi Thành đến một khu công nghiệp đặt gần biên giới Thái Lan-Myanmar. Ông Jeremy Douglas, trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của Văn phòng về ma túy & tội phạm thuộc Liên hiệp quốc, cho biết: “Ở khu công nghiệp này các lao động nước ngoài là nạn nhân của bọn buôn người được gọi chung là “KK Park”. Những người “may mắn” thì bị bắt lao động nặng nhọc trong các nhà máy mất an toàn, mất vệ sinh. Những người ít may hơn thì bị buộc làm các công việc bất hợp pháp như nấu thuốc phiện hay lừa đảo qua mạng”.
Chân dung kẻ lừa đảo
Theo tài liệu chưa được kiểm chứng thì Vương Nghi Thành sinh năm 1982 tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sau khi ra trường hắn lập ra một số doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như yến sào và linh kiện điện tử. Đến năm 2018 thì Thành chuyển đến sống tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Tất cả các công ty ở Ninh Ba của hắn bị đóng cửa vào năm 2019, trừ một doanh nghiệp thương mại điện tử mang tên “Laizheda”. Laizheda chỉ mới ngừng hoạt động vào tháng 9 năm nay.
Cũng vào năm 2018 Vương Nghi Thành trở thành đối tác chiến lược ở Thái Lan của tập đoàn Bitmain. Bitmain là công ty sản xuất chip chuyên về “đào” Bitcoin. Vậy nhưng phải đến tháng 11-2020 Thành mới mở tài khoản trên sàn Binance. Hắn thực hiện đa số các giao dịch từ Bangkok. Chỉ sau một tháng “kinh doanh” mà ví tiền ảo của Thành đã “phình” lên đến tận 100.000 USD.
Vương Nghi Thành lên nhậm chức Phó chủ tịch HTTA vào tháng 10-2021. HTTA được lập ra bởi các doanh nhân Trung Quốc ở Thái Lan nhằm mục đích tăng cường trao đổi thương mại và văn hóa giữa hai nước. Trụ sở của HTTA ở Bangkok nằm cùng tòa nhà văn phòng với một tổ chức Thái Lan-Trung Quốc khác mang tên “Trung tâm Trao đổi văn hóa Hồng Môn”. Chủ tịch Hồng Môn là cố vấn cấp cao của HTTA.
Tháng 2 vừa qua cảnh sát Thái Lan đã bất ngờ đột kích vào tòa nhà trụ sở của HTTA và Hồng Môn. Chiến dịch này diễn ra nhờ sự hợp tác giữa Thái Lan và Mỹ. Lý do được hai bên đưa ra là Hồng Môn có quan hệ với Hội Tam Hoàng 14K. 14K là một trong các băng đảng Tam Hoàng lớn mạnh nhất thế giới. Từ chỗ làm chủ đất Hồng Kông, 14K đã vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp Đông Nam Á. Ông trùm Doãn Quốc Câu của 14K đã bị chính phủ Mỹ cấm vận vì hàng loạt tội danh khác nhau, trong đó có cả lừa đảo và rửa tiền qua crypto.
Một điểm đáng chú ý về HTTA là mối quan hệ giữa tổ chức này và các quan chức Thái Lan. Báo chí Thái đã tìm ra 8 vị quan chức là cố vấn cấp cao của HTTA, trong đó có cả 2 đời giám đốc bộ phận chống tội phạm mạng của cảnh sát Thái Lan: nguyên giám đốc Kornchai Klaiklueng (nay là trợ lý Bộ trưởng Bộ công an Thái Lan) và Giám đốc đương nhiệm Chatchaphantakarn Klaiklueng. Đến nay vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ phía chính phủ hay các quan chức Thái về phát hiện của báo chí.
Một đối tượng khác có liên quan đến Vương Nghi Thành là sàn giao dịch tiền ảo BigONE có trụ sở ở quốc đảo Seychelles. Ngoài tài khoản Binance, Thành còn có khoản 50 tài khoản tiền ảo khác, trong đó có nhiều cái ở BigONE. Ước tính tổng số tiền “qua lại” những tài khoản kể trên trong hai năm 2021-2022 đã lên đến 87,5 triệu USD. Ban lãnh đạo BigONE mới đây đã tuyên bố: “Chúng tôi đã đóng cửa tài khoản của Vương Nghi Thành và đang hợp tác với các nhà điều tra”.
“Chữa cháy”
Vào ngày 3/11/2022, tài khoản Binance của Vương Nghi Thành bất ngờ dừng hoạt động. Theo thông tin nội bộ của Binance thì tập đoàn này đã bí mật đóng cửa tài khoản trên và tự mình điều tra. Hành động này là một phần trong chiến lược “làm sạch hình ảnh” của Binance nhằm đối mặt với các cáo buộc về việc tiếp tay cho tội phạm lừa đảo và rửa tiền. Theo các chuyên gia thì Binance đã hành động quá muộn.
Chuyên gia chống rửa tiền người Mỹ Ross Delston nhận xét: “Đáng lẽ ra các sàn giao dịch tiền ảo như Binance phải bị quản lý như ngân hàng ngay từ đầu, bởi vì bản chất của họ không khác gì ngân hàng mấy. Họ không phải là sàn giao dịch chứng khoán, vì chẳng ai dùng cổ phiếu để mua bán hàng hóa giống như là Bitcoin cả... Bất kỳ ngân hàng nào cũng có quy định về việc kiểm tra rửa tiền trong trường hợp khách hàng giao dịch các khoản lớn hơn một ngưỡng nào đó. Đây là điều rất thiếu ở các sàn giao dịch tiền ảo”.
Về phần mình thì luật sư Erin West cho biết: “Có 5 mục đích chính khiến người ta sử dụng tiền ảo: trốn các loại thuế nhập khẩu và tiêu thụ, đầu cơ, mua bán hàng cấm, lừa đảo và rửa tiền... Tôi không thể tin được rằng chính phủ nhiều nước bây giờ vẫn chưa có một bộ khung pháp lý để quản lý thị trường crypto và chống tội phạm tiền ảo. Vì thế mà nhiều người vô tội đã bị hãm hại mà không thể tìm được công lý cho mình”.
Ngày 22/11 vừa qua CEO Triệu Trường Bằng của Binance đã phải từ chức sau khi nhận tội rửa tiền trước tòa án Mỹ. Binance cũng sẽ phải trả 4,3 tỷ USD các khoản tiền phạt và bồi thường. Một trong các chi tiết giảm án cho Binance là một vụ tịch thu tiền ảo của cảnh sát Thái Lan với tổng giá trị tài sản bị thu giữ lên đến 277 triệu USD. Một số chi tiết trong bản báo cáo cho thấy rất có thể Vương Nghi Thành và mạng lưới của hắn nằm trong số các đối tượng bị cảnh sát Thái Lan “sờ gáy”.
Theo các nguồn tin chưa chính thức thì Vương Nghi Thành vẫn còn sống tự do tại Thái Lan. Tuy vậy hắn ta sẽ không còn được tự do lâu. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố một chiến dịch hợp tác giữa cảnh sát nước này với Thái Lan và Myanmar nhắm vào tội phạm lừa đảo tiền ảo xuyên biên giới. Tính đến nay đã có gần 10 đối tượng người Trung Quốc bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ trong khuôn khổ chiến dịch này.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/vuong-nghi-thanh-vua-lua-crypto-i715542/