Vướng quy hoạch, HTX khó phát triển du lịch nông nghiệp bền vững
Các HTX phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đang góp phần gia tăng khả năng tích tụ đất, gia tăng giá trị cho nông nghiệp, sản phẩm nông thôn... Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có sự đồng hành của địa phương nên tính liên kết trong của các mô hình du lịch chưa cao, từ đó chưa đưa mô hình này phát triển đúng xu thế.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 40 HTX du lịch cộng đồng, trong đó riêng huyện Yên Thế có 32 HTX du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện HTX, mô hình này vẫn chưa phát huy được tiềm năng và vẫn còn những mặt hạn chế nhất định.
Mới chỉ là điểm đến, chưa là điểm 'dừng chân'
Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao (Bắc Giang) cho biết, ngoài 15ha cây ăn quả, HTX còn có 100ha hồ phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung đường giao thông đến các điểm du lịch vẫn còn bất cập, nhất là vào mùa thu hoạch vải thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường, gây khó cho các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ.
Bên cạnh đó, địa phương chưa có các cơ sở lưu trú chất lượng, các HTX chưa có các khu nhà nghỉ tại vườn. Hoạt động vui chơi giải trí vẫn bị bó hẹp, chưa đa dạng, sáng tạo nên chưa giữ chân khách ở nhiều ngày.
Có thể thấy, Bắc Giang là một tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm thông qua HTX khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, những khó khăn của các HTX ở địa phương này cũng là khó khăn mà HTX ở nhiều địa phương khác đang gặp phải.
PGS TS Đặng Văn Đông (Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu rau quả), cho biết thực tế hiện nay du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm ở nhiều địa phương phát triển tự phát. Nhiều mô hình có sự tham gia của các HTX nhưng phần lớn các HTX phải "tự bơi". Bởi pháp luật hiện nay về phát triển du lịch nông nghiệp đã có nhưng còn mờ nhạt, chưa rõ ràng.
Trong một số trường hợp, nếu HTX tự đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thì có khi lại bị vi phạm pháp luật. Còn nếu địa phương cho phép cho các chủ trang trại, HTX xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, ứng dụng công nghệ, hoặc cho phép phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm nhưng trên đất nông nghiệp lại thành buông lỏng quản lý, vi phạm về quản lý đất đai, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Bên cạnh đó, để phát triển được du lịch nông nghiệp, cần có sự quy hoạch bài bản vì du lịch còn liên quan mật thiết đến cơ sở hạ tầng, bất động sản du lịch, giao thông, quy hoạch làng nghề, diện tích sản xuất... Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch nông nghiệp từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy mà nhiều HTX gặp khó khăn trong thích ứng với thị trường, thu hút khách. Và ngay cán bộ cũng rơi vào tình trạng lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp ở địa phương.
Điều này không khuyến khích được các HTX đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chính vì lẽ đó mà nhiều HTX tuy phát triển du lịch nông nghiệp nhưng mới chỉ là điểm đến chứ chưa phải là điểm dừng chân của du khách.
TS Nguyễn Tất Thắng, Khoa du lịch và ngoại ngữ (Học Viện nông nghiệp Việt Nam), cho biết một lực cản trong phát triển du lịch nông thôn là thiếu quy hoạch, hoặc quy hoạch chậm được triển khai.
Nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa có khái niệm về du lịch nông thôn nên chưa có kế hoạch, chưa xây dựng được quy hoạch cụ thể cho lĩnh vực này phát triển. Từ đó buộc người dân, HTX tự tìm hướng đi nên dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Sản phẩm du lịch nông thôn cũng vì lẽ đó là chưa tạo được dấu ấn địa phương.
Tạo bàn đạp cho du lịch nông nghiệp
Theo các chuyên gia, ngoài các quy định pháp luật, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần tháo gỡ vấn đề quy hoạch thì nông dân, HTX mới có bàn đạp để phát triển du lịch nông nghiệp.
Để làm được điều này, việc thực hiện quy hoạch du lịch nông nghiệp phải trên cơ sở của quy hoạch tỉnh. Sau đó, các huyện rà soát thực hiện quy hoạch của huyện gắn với đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng xã, từ đó, các xã bổ sung, rà soát quy hoạch xã một cách phù hợp. Có như vậy mới giúp người dân, HTX mới có chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp một cách phù hợp, theo từng giai đoạn phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà (Thái Bình), cho biết trong thời gian xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện cũng đã rà soát, thực hiện quy hoạch cho phát triển du lịch nông nghiệp nhưng việc sử dụng và áp dụng ở thực tiễn các quy hoạch đó như thế nào thì vẫn bị bỏ ngỏ ở nhiều địa phương.
Nhiều địa phương cũng chưa kiểm tra, đôn đốc, cùng các HTX, người dân tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch do những vướng mắc trong vấn đề quy hoạch nên các mô hình HTX du lịch nông nghiệp trong cùng một địa phương không có sự liên kết với nhau. Hoặc giữa các xã, các huyện, các vùng có chung lợi thế chưa có sự liên kết nên chưa tạo được chuỗi du lịch bền vững về cả chất lượng và quy mô.
PGS TS Đặng Văn Đông, cho rằng du lịch nông nghiệp phải có tính đặc trưng, có sự liên kết giống như việc người Hà Lan thành công trong du lịch từ những cánh đồng hoa tulip, người Bulgaria thành công từ cánh đồng hoa hồng, người Hàn Quốc thành công từ những cánh đồng sâm.
Để phát triển được du lịch nông nghiệp, các nước này thực hiện quy hoạch tổng thể một cách bài bản để gìn giữ tài nguyên thiên nhiên lâu dài cũng như có kế hoạch rõ ràng trong xây dựng những mô hình du lịch bền vững, có tính kết nối cao. Việc đón khách cũng có kế hoạch rõ ràng, không đón khách quá so với khả năng. Vì thế, nhiều khách muốn đến tham quan các điểm du lịch nông nghiệp này phải đợi đến hôm sau. Điều này không những tăng sức hút, đảm bảo sức tải để phát triển bền vững mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách.
Thực tế ở Việt Nam đã có địa phương quan tâm đến quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân, HTX làm du lịch nông nghiệp nên đã bước đầu gặt hái được những thành công.
Tiêu biểu như các vùng trồng sen ở Đồng Tháp đã từng bước có sự liên kết nhờ địa phương này triển khai khẩu hiệu “Đất sen Hồng”. Hay mô hình du lịch từ cánh đồng mai ở Thừa Thiên Huế đã tạo tiếng vang nhờ sự liên kết nhất định giữa các địa phương và nhờ triển khai thông điệp “Mai vàng trước ngõ”.
PGS TS Đặng Văn Đông, cho rằng để phát triển được các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch như Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế... chính quyền các cấp cần vào cuộc cùng với người dân, HTX trong việc lên kế hoạch, xây dựng quy hoạch, hoàn thiện chính sách pháp lý đến xây dựng chiến dịch quảng bá…thì mới khơi dậy và phát triển tiềm năng nông nghiệp du lịch.