Vướng scandal với AI, CEO Google bị kêu gọi từ chức
'Sự cố gần đây làm dấy lên câu hỏi ngày càng lớn hơn rằng, liệu đây có phải đội ngũ quản lý phù hợp để lèo lái Google bước vào kỷ nguyên tiếp theo hay không', chuyên gia nhận định.
Ở trụ sở Google, khó khăn chồng khó khăn. Gã khổng lồ tìm kiếm vì quá vội vã trước cuộc đua AI, nên đã và đang tạo ra hàng loạt vấn đề rất nghiêm trọng.
Google vừa tạm dừng tính năng tạo hình ảnh con người từ văn bản của mô hình AI Gemini do những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử. Sai lầm này tồi tệ đến mức khiến cổ phiếu của công ty sụt giảm và CEO Sundar Pichai phải phát biểu trước toàn thể nhân viên, nói rằng sự cố "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Sundar Pichai có còn đủ sức vực dậy Google sau cơn bão?
Thất bại của Google đã củng cố sự thật rằng Google đang tụt lại sau cuộc đua AI và giờ đây ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi thay thế CEO Sundar Pichai.
Theo nhà phân tích Ben Thompson, Google đang cần một màn cải tổ, tức là loại bỏ những người khiến công ty “hóa điên”, kể cả Giám đốc điều hành Sundar Pichai. Nhận định của ông được nhân viên Google và những người khác ở Thung lũng Silicon lan truyền rộng rãi.
Đồng quan điểm, nhà phân tích Internet của Bernstein, Mark Shmulik cũng đặt câu hỏi liệu đã đến lúc phải thay đổi vị trí đứng đầu của gã khổng lồ Internet hay chưa. “Sự cố gần đây làm dấy lên câu hỏi ngày càng lớn hơn rằng, liệu đây có phải đội ngũ quản lý phù hợp để lèo lái Google bước vào kỷ nguyên tiếp theo hay không”, ông viết.
Kết hợp với sai sót trước đó của Bard, Google trông có vẻ quá vội vã khi nhìn thấy các đối thủ liên tục ra mắt AI mới. Đây chính là vấn đề. Bởi Google không giỏi đi tắt đón đầu, rút ngắn quá trình, Business Insider nhận định. Nội bộ còn gọi kiểu lãnh đạo của tập đoàn công nghệ quá quan liêu và chỉ chú tâm trong việc tránh làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh tìm kiếm.
Được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Google vào năm 2015 và Alphabet vào năm 2019, Sundar Pichai đã chứng tỏ mình là một CEO mạnh mẽ trong “thời bình” của công ty.
Ông làm việc hiệu quả và kiên định, bảo vệ tốt mảng kinh doanh tìm kiếm của Google và giỏi dung hòa quan hệ với các cơ quan quản lý. Dưới trướng ông, cổ đông nhận rất nhiều lợi ích. Vốn hóa thị trường của Google hiện ở mức khoảng 1.700 tỷ USD, tăng từ mức hơn 400 tỷ USD vào năm 2015 khi Pichai tiếp quản.
Nhưng khi AI Gemini gặp khủng hoảng - vẽ những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử - trụ sở chính của Google đã đình trệ. Điều này cho thấy tập đoàn đang gặp rắc rối lớn chỉ vì gấp rút đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể.
Nếu không phải Pichai, ai sẽ điều hành Google?
Aravind Srinivas, Giám đốc điều hành Perplexity và từng là nhà nghiên cứu OpenAI, cũng tham gia cuộc tranh luận về tương lai của Pichai. Ông thậm chí còn đưa ra giả thuyết một vài cái tên có thể thay thế Giám đốc điều hành hiện tại.
“Giữ chức CEO của Alphabet, Sundar là người phù hợp nhất để bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới cho Google, cho dù đó là người mới từ bên ngoài tập đoàn, một ứng cử viên nội bộ, hay chính bản thân ông ấy”, chuyên gia nói.
Ngay cả Marissa Mayer, nhân viên gắn bó 13 năm, cũng tham gia vào cuộc tranh luận nhưng tỏ rõ lập trường bảo vệ Google. Cô viết: “Tôi muốn họ giành chiến thắng và họ có thể làm được. Nhưng họ phải tập trung vào đổi mới và áp dụng tư duy ‘sẵn sàng thách thức’, mà không phải tư duy ‘dẫn đầu thị trường’”.
Theo nhà phân tích Mark Shmulik, vẫn chưa thể nói rằng Google Tìm kiếm đã chết hay bị Generative AI thay thế, cho đến khi người dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng khác. Nhưng điều đó có thể đến sớm hơn bạn tưởng. Gartner gần đây đã dự đoán rằng tìm kiếm truyền thống sẽ giảm 25% vào năm 2026 do AI lên ngôi.
Biết đây là thực tế mà mình phải đối mặt, Google đang phát triển một công cụ tìm kiếm mới được tích hợp AI, chậm rãi nhưng chắc chắn. Nhưng sự cố mới nhất khiến các nhà phân tích lo lắng về triển vọng dài hạn và đặt câu hỏi liệu Pichai có thể giúp Google vượt qua cơn bão lớn nhất hãng từng đối mặt hay không.
Nhưng thắc mắc lớn hơn cả là: “Nếu không phải Pichai, ai sẽ điều hành Google?”.