Vướng về pháp lý khiến dự án Làng Đại học Đà Nẵng khó tiếp cận nguồn tiền
Khoản kinh phí lớn cho dự án có nguy cơ bị cắt trong trường hợp việc ký kết các hiệp định vay phụ và hợp đồng vay phụ tiếp tục bị trì hoãn kéo dài.
Ngày 16/2, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo”.
Một vấn đề được lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cũng như các thành viên Đoàn công tác quan tâm, thảo luận là quá trình xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc. Một dự án có quy mô lớn hơn 300 ha nằm ở khu vực giáp ranh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Theo Đại học Đà Nẵng, nhu cầu đầu tư phát triển Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách được cấp trong giai đoạn 2021-2025 còn rất hạn chế.
Việc huy động các nguồn lực tài chính, trong đó nguồn thu phí và lệ phí tăng chậm do bị ràng buộc bởi quy định của Nhà nước. Việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, theo quyết định phê duyệt dự án, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng, vay vốn Ngân hàng thế giới có thời gian thực hiện từ năm 2021-2025.
Tuy nhiên, do thủ tục hiệu lực của hiệp định vay kéo dài sang năm 2022, các vướng mắc về thủ tục vay lại (mặc dù hiện đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ giải quyết) vẫn chưa được tháo gỡ nên thời gian cho giai đoạn thực hiện dự án còn lại ngắn, việc thực hiện dự án và giải ngân vốn theo kế hoạch có rất nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, theo thông báo của Ngân hàng thế giới ngày 31/1/2023, khoản kinh phí phục vụ đầu tư xây lắp của dự án (cùng với 2 Đại học Quốc gia) có nguy cơ bị cắt không được tiếp tục tài trợ trong trường hợp việc ký kết các hiệp định vay phụ và hợp đồng vay phụ tiếp tục bị trì hoãn kéo dài.
Cụ thể, Nghị quyết số 14 năm 2020 của Chính phủ xác định cơ chế tài chính là nhà nước cấp phát 90% vốn vay, các đại học vay lại 10%.
"Trong phương án vay lại của Đại học Đà Nẵng, phương thức đảm bảo tiền vay là sử dụng tài sản, trong đó tài sản được sử dụng để đảm bảo tiền vay là tài sản được hình thành từ khoản vay lại (tài sản hình thành trong tương lai), hình thức được cho phép tại Nghị định số 97 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Trong quá trình thẩm tra, Bộ Tài chính thấy có các vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật về đất đai.
Sau khi có ý kiến các Bộ ngành liên quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng những vướng mắc này về đảm bảo và đề xuất xem xét 2 phương án xử lý", thầy Vũ thông tin.
Phương án 1: Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ cho phép các đại học tách vốn đầu tư theo các hạng mục riêng biệt và thực hiện vay lại theo hạng mục độc lập, đảm bảo giá trị cho vay lại bằng 10% vốn vay nước ngoài theo Nghị quyết số 14 năm 2020 của Chính phủ và sử dụng các tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Phương án 2: Chính phủ quy định cấp phát 100% cho các đại học để hình thành tài sản nhà nước.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, nếu theo phương án 1, vẫn còn các vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai bên cạnh những vướng mắc phát sinh về thủ tục đầu tư và giải ngân có thể xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Phương án 2 có thể tháo gỡ ngay những khó khăn hiện tại, tuy nhiên cần các điều chỉnh trong thủ tục đầu tư và kế hoạch vốn trung hạn.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan giải quyết vướng mắc về tài sản đảm bảo nhằm nhanh chóng hoàn thành thủ tục vay lại của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng, vay vốn ngân hàng thế giới.
Qua đó giúp cho Đại học Đà Nẵng và 2 Đại học Quốc gia đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ưu tiên xem xét, bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tập trung vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 23,13 ha còn lại thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và 170,77 ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) với kinh phí khoảng 4.922 tỷ đồng.
Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng khoảng 2.000 tỷ đồng trong các giai đoạn trung hạn (2026-2030 và 2030-2035) để đầu tư đồng bộ, phát triển khu đô thị Đại học Đà Nẵng thành hệ thống hoàn chỉnh các trường, các Viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm;
Trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành bảo đảm sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp phát triển kinh tế của vùng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã ghi nhận những ý kiến, đề xuất nói trên của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng. Đồng thời, sẽ có kiến nghị với Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các khoản vay xây dựng Làng Đại học.