Vướng vòng lao lý vì những 'khoản cọc' giữ chân người lao động
Giới thiệu lao động phổ thông, xuất khẩu lao động dù là công ty chính thống hay mạo danh đều thu những khoản cọc nhằm giữ chân người lao động. Đã xuất hiện những cá nhân vướng vòng lao lý vì khoản cọc này.
Thượng tá Vũ Văn Phúc, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện tình trạng công ty, cá nhân yêu cầu, thậm chí cưỡng bức người lao động phải đóng tiền cọc để giới thiệu việc làm. Do thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều đối tượng đã ép, đánh, bắt người lao động phải trả lại khoản tiền này với lý do đã ứng trước cho phía tuyển dụng để giữ chỗ.
Điển hình như vụ việc mới đây xảy ra tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Nhóm Đỗ Xuân Nguyện (SN 2002) trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; Phạm Trung Quân (SN 2002) trú tại xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba; Đàm Tiến Đạt (SN 2003) trú tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thuê phòng trọ tại khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì để môi giới lao động.
Nhóm Nguyện lên mạng tìm người có nhu cầu xin việc làm, đưa về nhà và thỏa thuận với người lao động đưa đến nơi làm việc. Tuy nhiên ngày 16-4, khi có 2 người là Nguyễn Văn Công và Nguyễn Văn Thắng cùng trú tại Thái Nguyên liên hệ, nhóm Nguyện đã đưa đến 2 nơi cần lao động phổ thông đều không được, nhưng vẫn yêu cầu các anh Công, Thắng trả lại số tiền 3 triệu đồng mà nhóm Nguyện khẳng định đã đặt cọc cho nơi sử dụng lao động.
Khi các anh Công, Thắng nói không có tiền, nhóm Nguyện đã đánh và mang xe máy của các anh đi bán được 2,5 triệu đồng để chia nhau.
Trước đó, cũng với cách làm tương tự nhóm Hà Xuân Thắng và Đỗ Quốc Khanh góp vốn để lập một nhóm môi giới việc làm, đăng bài lên trang mạng xã hội Facebook, tìm người lao động đang có nhu cầu đi làm và tìm kiếm thông tin về các nhà hàng, quán ăn đang cần tìm người lao động.
Quá trình làm việc, Thắng thống nhất với Đỗ Quốc Khanh đưa ra quy định nếu người lao động tự ý thay đổi ý định không muốn đi làm nữa thì phải nộp số tiền chi phí ăn ở là 200.000 đồng/ 1 ngày và nộp tiền phạt là 1,5 triệu đồng.
Sau đó có 4 người gồm Bùi Sỹ Hoa, Bùi Văn Huy, Nguyễn Văn Hiệp và Trương Văn Hưng có nhu cầu muốn đi làm nên đã liên lạc với người môi giới trong nhóm của Thắng.
Khi được đưa đến gặp Thắng, nhóm người lao động này phải đưa CCCD cho người của Thắng. Do không được làm việc cùng một chỗ, nên 18h cùng ngày Bùi Sỹ Hoa, Bùi Văn Huy, Nguyễn Văn Hiệp và Trương Văn Hưng không muốn đi làm nữa và yêu cầu trả lại CCCD để về.
Thấy vậy, Thắng đã chỉ đạo Đỗ Quốc Khanh lên kiểm tra, nếu ai chống đối sẽ đánh để đòi số tiền 1,5 triệu đồng mà bọn chúng đã đặt ra quy định từ trước. Do không có tiền nên nhóm Bùi Sỹ Hoa, Bùi Văn Huy, Nguyễn Văn Hiệp và Trương Văn Hưng đã bị tịch thu điện thoại và tắt máy, chỉ mở nguồn một chiếc để cả nhóm liên lạc với người thân yêu cầu gửi tiền. Chỉ khi nào nhận được tiền thì nhóm người lao động mới được trả giấy tờ và cho về nhà. Đến tối cùng ngày, không người lao động nào liên hệ được với gia đình nhưng lực lượng công an đã phát hiện sự việc và triệu tập tất cả về trụ sở CAP Mỹ Đình 2 để giải quyết.
Cả 2 vụ việc trên đều đã bị Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cưỡng đoạt tài sản.
Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cho rằng, trong các vụ việc này, có đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng cũng có đối tượng sẵn sàng ra oai, thị uy với những người lao động trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là các lao động ngoại tỉnh.
Quy định về giao dịch việc làm cũng có những khoản phí môi giới người lao động nhất định phải thanh toán. Để tránh các trường hợp bị thu phí quá cao, chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo người lao động cần đến các trung tâm môi giới việc làm có uy tín, tìm hiểu rõ thông tin trước khi nộp giấy tờ. Còn với các cơ sở dịch vụ việc làm, cần tìm hiểu rõ quy định pháp luật Nhà nước về tuyển dụng lao động, không tự ý đặt ra các quy định sai để rồi đưa mình vào vòng lao lý.