Vượt bão thành công - Kinh tế Việt Nam vững bước vào năm 2022

Từ những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng GDP năm 2021, Việt Nam bước vào năm 2022 với thông tin tích cực về gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Như cơ thể sau trận ốm, nền kinh tế cần dưỡng chất phục hồi nhanh hơn nhưng liều lượng dưỡng chất đưa vào ở thời điểm nào để có tác dụng, đòi hỏi nghệ thuật điều hành của Chính phủ.

Tiếp nối đà tăng trưởng khả quan trong năm 2020, với sự đồng lòng của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cùng sự chung sức, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên làn sóng dịch thứ 4 bùng phát đã khiến lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế tăng trưởng âm 6,02%, do nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, và hình ảnh những dòng xe chở nông sản ùn ứ là minh chứng rõ nét cho những khó khăn của các doanh nghiệp khi dịch bùng phát trên diện rộng.

Trong bối cảnh này, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128, góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, GDP quý 4 bật tăng 5,22%, đưa GDP cả năm đạt con số 2,58%.

Bước qua năm 2021 với nhiều khó khăn, nhưng với rất nhiều nỗ lực, gió đã đổi chiều, nền kinh tế Việt Nam đã vượt bão thành công, tiếp nối câu chuyện tăng trưởng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2022, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 347 nghìn tỷ đồng, tương đương 15,2 tỷ USD.

KINH TẾ VIỆT NAM 2021 “VƯỢT BÃO” VỚI NHIỀU GAM MÀU SÁNG

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là 1 trong 7 mặt hàng nằm trong “câu lạc bộ” đạt giá trị xuất khẩu tỷ đô-la Mỹ. Bên cạnh mối lo Covid-19, năm qua, ngành gỗ phải đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao. Để giữ được thị trường, doanh nghiệp này đã chọn cách liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu và cập nhật về tiến độ chống dịch, kế hoạch giao hàng theo lộ trình để đối tác yên tâm.

Ông TƯỞNG HỮU HIỂN - Giám đốc Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ: “Được chính sách của Nhà nước ủng hộ thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp với các thị trường các nước Đông Nam Á, rồi các thị trường khác, rồi chúng tôi cũng tìm được các thị trường mới, nên không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng.”

Nhiều doanh nghiệp khác cũng chuyển hướng linh hoạt hơn khi duy trì hoạt động kinh doanh, để có thể chống chịu với cơn bão mang tên Covid-19.

Ông TẠ VĂN TUẤN - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH in bao bì Yuto Việt Nam: “Do tình hình dịch bệnh không thể nào tránh được, chi phí đầu vào cân nhắc những cái nào cần phải hạn chế hết mức để vừa đảm bảo lợi nhuận nhất định, chi cho công nhân, phúc lợi cho công nhân.”

Với những nỗ lực của các cấp các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ con số 545 tỷ USD vào năm 2020 lên hơn 660 tỷ USD vào năm 2021, Việt Nam chính thức vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Bên cạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI năm 2021 cũng là 1 điểm sáng. Với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn FDI đăng ký tính đến ngày 20/12/2021, đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. (Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.)

Lựa chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, từ cuối năm 2017, doanh nghiệp với 100% vốn của Thụy Điển này đã nhen nhóm ý định dịch chuyển vốn đầu tư từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam. Với số vốn đầu tư ban đầu 5 triệu USD vào năm 2019,bất chấp đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đặt mục tiêu đầu tư lên đến 25 triệu USD trong vòng 2 năm tới. Với quy mô sản xuất lên đến 3 triệu sản phẩm/năm, doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp vẫn vượt khoảng 25% kế hoạch, đạt hơn 1.200 tỷ đồng.”

Nhờ thực hiện các chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, giảm số lượng, tăng về chất lượng đã giúp dòng vốn FDI năm 2021 tại Việt Nam tăng về chất và lượng, từ đó loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Bà PHẠM THỊ HƯƠNG - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và chuỗi cung ứng, Tập đoàn Assa Abloy: “Trong những năm gần đây có rất nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam, cùng với sự trợ giúp của Chính phủ đã xây dựng 1 mạng lưới công nghiệp phụ trợ, và đây là 1 điểm mấu chốt mà chúng tôi tiếp tục tự tin đầu tư vào Việt Nam. Với các chính sách của Quốc hội và Chính phủ về thu hút vốn đầu tư công nghệ cao, chúng tôi cũng đang có những kế hoạch trong tương lai để đầu tư hơn nữa vào hàm lượng nghiên cứu của sản phẩm tại Việt Nam.”

Là một trong những tỉnh thành thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài FDI, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh chóng, từ đó mở ra các cơ hội thu hút dòng vốn FDI.

Ông NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG - Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: “Vĩnh Phúc tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tạo ra 1 nền hành chính chuyên nghiệp để hấp dẫn các nhà đầu tư, xác định các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Năm 2022 với quan điểm thích ứng an toàn linh hoạt trong công tác phòng chống Covid-19, thì Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư thông qua các tọa đàm trực tuyến đối với các đối tác nước ngoài.”

Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là việc thay đổi chiến lược trong phòng, chống COVID-19, khi Nghị quyết 128/NQ-CP được thực thi chính là yếu tố giúp vực dậy tinh thần cho doanh nghiệp trước cơn bão dịch bệnh.

PGS. TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính: “Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã có tác động rất lớn đến quá trình mở cửa trở lại, hồi phục và phát triển kinh tế trong quý 4/2021. Nghị quyết 128/NQ-CP đã đưa ra các yêu cầu và những tiêu chí để mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý thống nhất theo chỉ đạo để giảm sự ngăn sông cấm chợ, giúp các hoạt động của nền kinh tế đạt hiệu quả cao nhất.”

Nhiều điếm sáng như: thị trường chứng khoán liên tục thiết lập những đỉnh chưa từng có, nhà đầu tư F0 cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp có vốn hóa vượt 10 tỷ USD. Giá giao dịch bất động sản cũng tăng vọt trong năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2021 chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

LẠC QUAN VÀO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 2022

Từ những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng GDP năm 2021, Việt Nam bước vào năm 2022 với 1 thông tin tích cực. Đó là tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã chính thức thông qua 4 Nghị quyết, với kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch. Trong đó đáng chú ý là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trị giá 347 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm và lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và phát triển kết cấu hạ tầng, qua đó khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ lần này có độ bao phủ rộng, nhắm vào từng dồi tượng thụ hưởng, đảm bảo được 2 yếu tố là đúng và đúng thời điểm.

Động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là cỗ xe tam mã, bao gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm qua, sức mua cũng đang rất thấp. Trong năm 2021, tăng trưởng dịch vụ tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 1,8%, con số này là rất khiếm tốn, bởi tiêu dùng chiếm tới 65% GDP của nền kinh tế, do đó thúc đẩy tiêu dùng và thị trường trong năm 2022 được coi là chất xúc tác để phục hồi tắng trưởng. Và gói hỗ trợ mới với việc giảm 2% thuế VAT từ tháng 2 năm nay đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông THÂN ĐỨC VIỆT - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10: “Việc giảm thuế VTA giúp doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, đây là điều rất tốt, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí khá lớn,từ đó tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.”

Chị NGUYỄN THU HÀ - Người tiêu dùng: “Chí tiêu rất tốn kém, bây giờ được giảm 2% tôi thấy rất thích, bởi nó sẽ giúp tôi tiết kiệm được 1 khoản để chi tiêu thêm.”

Trong gói hỗ trợ lần này, thì tài khóa là trụ cột, tập trung vào các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. Còn lại là gói hỗ trợ tiền tệ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay và các hỗ trợ khác.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Tôi kỳ vọng nhiều nhất vào gói hỗ trợ thông qua bù lãi suất 40 nghìn tỷ để cấp bù 2 % và hy vọng rằng nếu giải ngân hết số vốn này thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ tín dụng sẽ được các doanh nghiệp tiếp nhận với mức lãi suất thấp. Và chính đấy là nguồn lực để cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế phát triển trong hai năm này.”

Ông JONATHAN PINCUS - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): “Hiện nay các ngân hàng đang nỗ lực hết sức và NHNN cũng tăng cường tính thanh khoản để giúp các ngân hàng gia tăng các khoản cho vay và hỗ trợ về mặt lãi suất dành cho các doanh nghiệp. Nhưng vấn đề là ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay cần có điều kiện nhất định, đó là doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp tốt, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều trở ngại, và đây chính là thách thức đối với ngành ngân hàng khi chưa thể đưa ra các gói cho vay đủ lớn.”

Ông VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Điều hết sức quan trọng là gói giải pháp đưa ra phải phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Thứ hai phải phù hợp với khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính tiền tệ của đất nước. Và tôi nghĩ rằng dù là chúng ta hướng đến mục tiêu phục hồi hay phát triển thì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng và đấy là thành trì bất khả xâm phạm của chúng ta.”

Đặc biệt, gói hỗ trợ miễn giảm hoãn thuế trong Nghị quyết lần này ghi rõ đối tượng KHÔNG được hưởng hỗ trợ, chỉ tập trung vào 1 số ngành, lĩnh vực không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, do đó nhiều ý kiến đánh giá, mức độ bao phủ của gói hỗ trợ lần này là sẽ hiệu quả hơn.

Ông TRẦN VĂN TIẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Doanh nghiệp bây giờ để phát triển và hồi phục được thì cần có nguồn lực ban đầu. Nếu như chúng ta tận thu hết thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp cho nên cần thiết dành lại cho người ta 1 lượng nào đó để họ phát triển…Làm sao để cho doanh nghiệp phát triển trong năm 2022 là vấn đề cốt lõi bởi doanh nghiệp chính là nguồn lực chính tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội.”

Quyết sách đã được đưa ra, vấn đề hiện nay là cách thức thực thi như thế nào cho hiệu quả chính là mối quan tâm hàng đầu.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Ủỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Trong thời gian tới nhiệm vụ mà Quốc Hội giao cho chính phủ là một chiến lược tổng thể về phòng chống dịch bệnh theo tôi là rất quan trọng và nó có thể đóng góp một cách bền vững hơn cho hoạt động kinh tế bởi vì trong thời gian sắp tới diễn biến dịch bệnh vẫn còn rất khó lường và khó dự đoán.”

Ông LÊ HOÀNG ANH - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Chúng ta muốn vừa phục hồi nhưng lại vừa phát triển, nếu chúng ta để nguyên thì nó có thể phục hồi từ từ, như một cơ thể sau một trận ốm thì có thể cần dưỡng chất để phục hồi nhanh hơn, nhưng nhanh hơn thì liều lượng dưỡng chất ấy cho vào ở thời điểm nào thì có tác dụng, và nó phục hồi nhanh hơn nhưng cho vào thời điểm nó không tốt thì có khi lại hại hơn. Do đó tôi cho rằng nghệ thuật của Chính phủ trong điều hành và xử lý ứng xử gói giải pháp tài khóa tiền tệ mà Quốc hội đã quyết định.”

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được nhìn nhận ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua phần trao đổi với Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 5,5%-7%, trong đó Ngân hàng Standard Chartered dự báo mức tăng 6,7%, theo ông, đâu là lý do khiến Standard Chartered đưa ra con số lạc quan này?

Ông TIM LEELAHAPHAN - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered: Trong những tháng cuối năm 2021, chúng tôi đã nhận thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cụ thể là sự phục hồi trong hoạt động sản xuất. Số liệu về xuất khẩu cũng hết sức tích cực. Trong năm 2022, Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,7%, đây là mức dự báo cao nhất tại các nước ASEAN. Những lĩnh vực phục hồi ở giai đoạn đầu năm sẽ khá tương đồng với năm 2021, đặc biệt là xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng, môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 mặc dù nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng cao. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Năm 2022 nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những rủi ro hiện hữu nào (dịch bệnh, lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách…) Cần có những giải pháp gì?

Ông TIM LEELAHAPHAN - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered: Có nhiều yếu tố chúng ta cần phải chú ý và theo dõi để xem chúng có được cải thiện hay không. Trong Quý 1, chúng ta sẽ cần theo dõi xem các hoạt động nội địa, bán lẻ, tiêu dùng cá nhân có cải thiện hay không. Nếu có sự cải thiện, đó sẽ là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi trong cả năm. Vào cuối Quý 1, chúng tôi sẽ đánh giá lại dự báo của mình xem là sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam có đến từ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hay không. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ chắc chắn hơn về dự báo của mình đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Lạm phát có thể sẽ trở thành một mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Các yếu tố về nguồn cung, như việc giá cả hàng hóa cao hơn do tác đông của dịch bệnh, sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 4,2% và 5,5% trong năm 2022 và 2023.

Về các động lực tăng trưởng, chúng ta sẽ cần theo dõi xem vào Quý 2 thì lĩnh vực du lịch có được mở cửa như kế hoạch hay không. Chúng tôi có niềm tin rằng, lĩnh vực du lịch sẽ mở cửa trở lại vào giữa năm nay, và sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho đà phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia nhận định, gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm. Và điều quan trọng không chỉ là lấy lại đà tăng trưởng cao, mà còn là chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để nguồn lực hỗ trợ đi được đúng nơi, đúng đối tượng cần thiết, giúp cho tăng trưởng kinh tế thực chất và hiệu quả, tránh được những rủi ro cho nền kinh tế.

Lê Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/vuot-bao-thanh-cong-kinh-te-viet-nam-vung-buoc-vao-nam-2022