'Vượt bão' thành công nhờ chăn nuôi bền vững
Năm 2019, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là chăn nuôi lợn gặp không ít khó khăn. Song, khi phần lớn người chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ phải gồng mình chống đỡ với dịch bệnh, thì nhiều cơ sở, doanh nghiệp và trang trại nhờ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học đã vững tin 'vượt bão' bệnh dịch thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, truyền cảm hứng nhân rộng cho người chăn nuôi về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Trang trại nuôi lợn tập trung áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc). Ảnh: Lê Hòa
Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trên địa bàn huyện Như Xuân, gia đình anh Đồng Văn Thanh vô cùng lo lắng. Bởi, thời gian ấy, trang trại của gia đình anh tại thôn Ná Cọ, xã Thanh Sơn đang nuôi 2.400 con lợn; trong đó, có 2.000 con lợn thịt 1 tháng tuổi và 400 lợn nái. Trước tình hình đó, gia đình anh đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào trang trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, trang trại còn mua lưới dày che kín xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, mua thêm men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn... Anh Thanh cho biết: Ngay khi bệnh dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, trang trại đã thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh và phòng chống bệnh dịch được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Đối với phương tiện ra, vào trang trại phải thực hiện phun thuốc, qua bể sát trùng, cách ly 30 - 60 phút trước khi tiếp xúc với khu chăn nuôi. Đối với con người, phải sử dụng dụng cụ, đồ dùng trong trang trại, các trang thiết bị cá nhân phải đưa vào máy UV để sát trùng... Tổng kinh phí đầu tư tăng cường cho chống bệnh dịch khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả 10 nhân công của trang trại đều phải thực hiện nghiêm các quy định, như: Chỉ được nghỉ 1 lần/tháng trong 2 ngày, sau khi trở lại phải 2-3 ngày thực hiện những công việc không liên quan đến chăm sóc đàn lợn; thực hiện tiêu độc, khử trùng bảo đảm đúng quy định trước khi vào chuồng trại... Nhờ đó, mặc dù bệnh DTLCP đã xảy ra trên địa bàn huyện Như xuân từ tháng 5-2019, song trang trại nuôi lợn tập trung của gia đình anh Đồng Văn Thanh đã “vượt bão” thành công. Từ tháng 5 đến tháng 11-2019, trang trại đã xuất 2.000 lợn thịt, tổng trọng lượng đạt hơn 250 tấn, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/lứa, cao hơn 1,5-2 lần so với thời điểm bình thường. Hiện tại, trang trại của gia đình anh Đồng Văn Thanh được cơ quan thú y và các đơn vị chuyên môn chứng nhận đủ điều kiện tái đàn và đang thực hiện nuôi 2.100 lợn thịt gần 2 tháng tuổi. Dự kiến xuất chuồng vào tháng 3-2020.
Tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên An Minh, xã Hà Lan (thị xã Bỉm Sơn), khi người chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại chăn nuôi lợn khác trong vùng đang loay hoay với công tác chống bệnh dịch và bị ảnh hưởng nặng nề do “bão dịch” thì việc chăn nuôi lợn của công ty không vì thế mà gián đoạn. Với quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn đạt 2.920m2; trong đó, diện tích công trình phục vụ chăn nuôi 363,2m2; được thiết kế, vận hành theo quy trình tự động, khép kín với quy mô tổng đàn trên 6.000 con lợn/lứa, gồm cả lợn nái sinh sản, lợn con, lợn thương phẩm. Khi bệnh DTLCP bùng phát, để ngăn chặn dịch lây lan vào trang trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khu vực ngoài cổng, trước cửa chuồng nuôi và khu liên kết giữa các lối đi chính trong trang trại, công ty đã mua lưới dày che kín xung quanh chuồng nuôi để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh bệnh dịch từ nơi khác mang đến... Bà Vũ Thị Kim Lan, giám đốc công ty, khẳng định: Nhờ thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nên đến nay trang trại của công ty vẫn bảo đảm không bệnh dịch, được ngành thú y và các cơ quan chức năng chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất chuồng và tái đàn.
Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý và phòng chống bệnh dịch, đến ngày 10-1, trên địa bàn tỉnh chỉ tiêu hủy hơn 213.900 con lợn, trọng lượng hơn 14.600 tấn (ở mức trung bình thấp trên cả nước). Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống DTLCP nên nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi giữa “bão” dịch vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, như: Hơn 20 trang trại nuôi lợn gia công của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP nông sản Phú Gia và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn ở các huyện Nga Sơn, Như Xuân, Yên Định... Thực tế cho thấy, ảnh hưởng và thiệt hại của bệnh DTLCP rất lớn, song chủ yếu tác động tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi bền vững. Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khẳng định: Để phòng chống bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và trên đàn lợn nói riêng, các cơ sở chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo Chỉ thị số 16/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn để phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh; Công văn số 5850/UBND-NN của UBND tỉnh về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học... và thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cơ quan thú y về chăn nuôi bền vững. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng tới chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhằm phòng tránh bệnh dịch và nâng cao giá trị kinh tế, phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/vuot-bao-thanh-cong-nho-chan-nuoi-ben-vung/113339.htm