Vượt 'bão' thuế quan, chớp cơ hội tỷ USD từ nâng hạng chứng khoán
Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu nhiều biến động với làn sóng thuế quan và rủi ro địa chính trị, Việt Nam vẫn nổi lên như điểm sáng đầu tư tại châu Á. Từ lợi thế thu hút FDI đến kỳ vọng nâng hạng thị trường, nền kinh tế đang đứng trước cơ hội đón dòng vốn tỷ USD trong nửa cuối năm 2025.
Giữa khó khăn, Việt Nam vẫn nổi lên như điểm sáng đầu tư Châu Á
Tại Hội thảo VPBankS Talk 5 với chủ đề "Đầu tư thông minh cùng AI – Từ dữ liệu đến quyết định", ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhận định, thuế quan có thể coi là yếu tố sẽ định hình cục diện kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026, kéo theo đà suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, những diễn biến trong tuần qua lại hé lộ một vài điểm sáng đáng chú ý, đặc biệt là với Việt Nam. “Dù trong những kịch bản bất lợi nhất, khi thuế nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam có thể cao hơn một số quốc gia đối thủ, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ qua phản ứng tích cực của giới đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI những ngày qua”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Một trong những lý do được ông Nguyễn Xuân Thành đưa ra là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump. Ông Trump chủ yếu tập trung áp thuế cao lên các ngành như xe hơi, thép và nhôm. Các ngành này vốn không phải thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các tuyên bố về thuế quan hiện tại mới chỉ xuất phát từ phía Mỹ, trong khi Việt Nam vẫn đang trong tiến trình đàm phán với hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại song phương tương tự mô hình Mỹ - Anh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được quy tắc xuất xứ, mức thuế cuối cùng có thể thấp hơn dự báo, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo VPBankS Talk 5
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, thị trường đã trải qua một chu kỳ biến động thông tin dữ dội, có thể sánh ngang với 2 năm cộng lại. Câu chuyện ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường là bầu cử Tổng thống Mỹ, kế đến là làn sóng áp thuế và các căng thẳng địa chính trị.
Sau ngày 7/7, một số quốc gia được điều chỉnh giảm thuế, trong khi một số khác như Nhật Bản, Malaysia lại bị tăng nhẹ. Việt Nam hiện đang có lợi thế về thuế quan so với các nước xuất khẩu cùng khu vực, mở rộng cơ hội thu hút FDI.
“Chính sách quyết định định hướng, nhưng cung tiền quyết định xu hướng”, ông Trần Hoàng Sơn nhấn mạnh. Khi tiền tệ lỏng, giá tài sản có xu hướng tăng, còn khi siết chặt, tài sản sẽ suy giảm. Do đó, trong giai đoạn vừa hạ lãi suất vừa tăng cung tiền như hiện nay, xu hướng thị trường tài sản sẽ tiếp tục tích cực, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng vẫn đối mặt với nhiều lực cản đến từ chính sách thương mại, bất ổn địa chính trị và tiến độ cắt giảm lãi suất của Fed chậm hơn kỳ vọng. Dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm nay đạt khoảng 1,5 – 1,6%, toàn cầu là 2,3%, trong khi Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc khá rõ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong khu vực và toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, thị trường đã phản ứng tích cực không chỉ nhờ các con số tăng trưởng vĩ mô mà còn từ kỳ vọng kết quả đàm phán thuế quan. Dù vậy, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng các số liệu vĩ mô chưa phản ánh đầy đủ những khó khăn nội tại, đặc biệt là sức mua trong nước vẫn còn yếu. Trong 6 tháng đầu năm, động lực chính cho tăng trưởng đến từ xuất khẩu vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất trước các hàng rào thuế quan và đầu tư công.
Đầu tư công tiếp tục là điểm sáng, với tốc độ giải ngân tăng 25% so với cùng kỳ. Chính phủ đang kiên định định hướng chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng, tạo ra áp lực lên tỷ giá nhưng đổi lại tín dụng tăng 8,3%, cung tiền tăng 7,1% và chi ngân sách cao hơn thu ngân sách. Mục tiêu tăng trưởng 8% cho cả năm 2025 đòi hỏi nỗ lực chính sách lớn trong nửa cuối năm.
Chứng khoán Việt trước “giờ G” nâng hạng

Thị trường chứng khoán kỳ vọng được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025
Trên thị trường chứng khoán, Việt Nam đang cho thấy sức bật mạnh mẽ, tương tự như các thị trường mới nổi khác. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã vượt qua được các đợt điều chỉnh và vươn lên mức cao mới. Số lượng tài khoản chứng khoán vượt 10 triệu tài khoản. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự báo đạt 15 – 16%, trong đó các nhóm ngành như tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và thép có thể tiếp tục phục hồi.
Một yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho thị trường trong giai đoạn cuối năm là tiến trình nâng hạng thị trường. Việt Nam hiện đã đáp ứng 7/9 tiêu chí quan trọng để được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi theo phân loại của FTSE. Các cải cách lớn như triển khai hệ thống giao dịch KRX, hệ thống NPF, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng cấp cơ chế xử lý giao dịch lỗi đang giúp Việt Nam tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế.
Ông Trần Hoàng Sơn cho biết: “Chúng tôi dự báo khoảng 70% khả năng Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, cũng có 30% khả năng việc nâng hạng sẽ rơi vào tháng 3/2026 do còn một số vấn đề kỹ thuật cần thêm thời gian để FTSE đánh giá, như chênh lệch thời gian thanh toán và phân phối chứng khoán trên hệ thống KRX cũng như tỷ lệ giao dịch lỗi”.
Nếu được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025, thị trường sẽ đón dòng vốn đầu tư từ các quỹ thụ động và chủ động ước đạt từ 3 đến 7 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 7, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh mẽ trở lại, đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tạo nền tảng tích cực cho các phiên giao dịch sắp tới.
Thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trong nửa cuối năm, với VN-Index có thể chinh phục các mốc 1.500 – 1.550 điểm. Thanh khoản toàn thị trường có thể đạt mức 28.000 tỷ đồng/phiên nhờ các yếu tố hỗ trợ như câu chuyện nâng hạng, các sản phẩm mới như giao dịch thông trưa, giảm thời gian thanh toán.
Dù một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường đang ở vùng quá mua và có thể xuất hiện điều chỉnh ngắn hạn quanh mốc 1.430 – 1.450 điểm, nhưng xu hướng dài hạn vẫn được đánh giá là tích cực.
Với triển vọng sáng từ dòng vốn ngoại, chính sách nới lỏng và kỳ vọng nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực và thế giới trong nửa cuối năm 2025 và đầu 2026.