Vượt chỉ tiêu thành lập mới câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trước 2 năm
Đến cuối tháng 12/2023, cả nước có hơn 6.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, với khoảng 456 nghìn thành viên. Trong đó, ước tính số lượng câu lạc bộ mới thành lập từ khi triển khai Đề án 1336 đến cuối năm 2023 khoảng 3.021 câu lạc bộ, vượt chỉ tiêu 3.000 câu lạc bộ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao trước gần 2 năm.
Ngày 10/5, Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đề án “Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025” tại Hà Nội. Chương trình diễn ra đồng thời theo hình thức trực tuyến 48 điểm cầu trên toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg về Đề án “Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 1336). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Người cao tuổi Việt Nam là cơ quan chủ trì Đề án. Đến nay, Đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, theo báo cáo của Hội Người cao tuổi Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2023, cả nước có khoảng 6.521 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, với khoảng 456.470 thành viên. Trong đó, ước tính số lượng câu lạc bộ mới thành lập từ khi triển khai Đề án 1336 đến cuối năm 2023 khoảng 3.021 câu lạc bộ, vượt chỉ tiêu 3.000 câu lạc bộ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025 trước gần 2 năm.
Tính đến cuối tháng 12/2023, cả nước có khoảng 6.521 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, với khoảng 456.470 thành viên. Trong đó, ước tính số lượng câu lạc bộ mới thành lập từ khi triển khai Đề án 1336 đến cuối năm 2023 khoảng 3.021 câu lạc bộ, vượt chỉ tiêu 3.000 câu lạc bộ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025 trước gần 2 năm.
Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng câu lạc bộ mới được thành lập, với tổng số câu lạc bộ hiện có là 1.108 câu lạc bộ với gần 62.000 thành viên. Các tỉnh thành phố tích cực thành lập mới câu lạc bộ trong năm 2023 gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.
Về ưu điểm, mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương khẳng định là một mô hình đậm chất nhân văn, đa dạng hoạt động, phát huy được cách tiếp cận liên thế hệ, phù hợp với văn hóa, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam. Tám lĩnh vực hoạt động của câu lạc bộ góp phần tích cực thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và thực hiện an sinh xã hội tại cộng đồng. Câu lạc bộ đã đóng góp tích cực phong trào thi đua của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa, văn nghệ, thể thao, văn minh đô thị.
Cả nước còn 43 tỉnh có số lượng câu lạc bộ dưới 100 câu lạc bộ, như vậy, phần lớn chưa đạt chỉ tiêu về số lượng, nhất là các tỉnh thuộc các khu vực: miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, kết quả thực hiện Đề án 1336 về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau rất ấn tượng, rất hiệu quả, tạo sự lan tỏa rất sâu rộng trong các cấp hội và các thôn, bản trên địa bàn cả nước. Các cấp hội ở các địa phương đã rất năng động, sáng tạo trong công tác tham mưu chỉ đạo việc thành lập và phát triển câu lạc bộ một cách bài bản và nghiêm túc.
Cả nước còn 43 tỉnh có số lượng câu lạc bộ dưới 100 câu lạc bộ, như vậy, phần lớn chưa đạt chỉ tiêu về số lượng, nhất là các tỉnh thuộc các khu vực: miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Số thành viên tham gia câu lạc bộ rất đông và có chất lượng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Các hoạt động câu lạc bộ đã góp phần rất quan trọng vào sự ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ngay từ thôn bản và cộng đồng dân cư. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hoạt động tốt, cách làm sáng tạo cần tiếp tục được triển khai.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội người cao tuổi Nguyễn Thanh Bình cũng đề xuất một số nội dung hoạt động trong thời gian tới.
Cụ thể là, triển khai Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức của Hội Người cao tuổi Việt Nam từ ban đại diện người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện về thành lập hội người cao tuổi 4 cấp theo quy định.
Về Tháng hành động người cao tuổi năm 2024, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ban hành kế hoạch của sự kiện quan trọng này theo tinh thần hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến đồng đều ở cơ sở. Trong Tháng hành động sẽ tập trung vào nhiều hoạt động như: tổ chức thăm hỏi người cao tuổi khó khăn, tổ chức hoạt động dưỡng sinh cho người cao tuổi, các phong trào từ cơ sở, trung ương, tạo sự chuyển động từ thôn bản, từ cơ sở, tạo sân chơi cho người cao tuổi.
Cùng với đó, người cao tuổi cũng cần quan tâm vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Người cao tuổi động viên con cháu, người cao tuổi nêu gương chuyển đổi vì một tương lai xanh trong thời gian tới.
Sắp tới, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức hai sự kiện quan trọng. Đó là hội nghị điển hình người cao tuổi nữ tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc và hội nghị điển hình tiên tiến người cao tuổi tham gia xây dựng an ninh cơ sở.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng trao bằng khen cho 16 tập thể, 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1336.