Vượt đường xa, suối sâu lên vùng cao gieo chữ

Cô Phạm Thị Tâm, giáo viên Trường mầm non Phú Mỡ từ thị trấn La Hai vượt suối đến thôn Phú Đồng dạy học. Ảnh: CTV

Nếu như Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) là xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên thì Phú Đồng, Phú Hải là 2 thôn đặc biệt nhất bởi đường sá hiểm trở và tỉ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Các giáo viên lên đây dạy học với mong muốn học sinh thích thú đến trường học chữ, mong các em có một tương lai tươi sáng.

Vào buổi sáng tháng 11 mưa tầm tã, chúng tôi cùng các thầy cô giáo tiểu học và mầm non đi xe máy ngược núi lên phân trường Phú Đồng, Phú Hải của xã Phú Mỡ. Con đường dốc đứng trơn trượt với chi chít ổ voi, những hố nước lớn và 3 con suối sâu nước chảy xiết. Con đường chênh vênh với một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm. Mùa mưa, đất đá trên núi sạt lở xuống khiến đường gập ghềnh lởm chởm, nhiều đoạn đứt gãy, lún cát… nên việc đi xe máy vô cùng khó khăn, trượt ngã là chuyện bình thường. Thế nhưng, đây chính là con đường mà các giáo viên dạy học ở 2 thôn này đi lại mấy chục năm qua!

Theo thầy Trịnh Đình Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ, nhiều năm nay giáo viên của trường chủ yếu từ thị trấn và các xã miền xuôi lên dạy. Tuy nhiên, do đường đi lại khó khăn, nguy hiểm nên chỉ phân công giáo viên nam bám trụ 2 làng này. Riêng lớp mầm non thì có cô Phạm Thị Tâm. Các thầy cô ở nội trú nhưng điều kiện điện nước, sinh hoạt còn rất nhiều khó khăn; điện thì hay lệch pha, còn nước sạch chưa có”.

Thầy Võ Quang Tạo, giáo viên lớp 1 phân trường Làng Đồng, Trường tiểu học Phú Mỡ trong một buổi đứng lớp. Ảnh: TÂM PHẠM

Thầy Võ Quang Tạo, giáo viên lớp 1 phân trường Làng Đồng, Trường tiểu học Phú Mỡ trong một buổi đứng lớp. Ảnh: TÂM PHẠM

Thầy Võ Quang Tạo ở xã Xuân Quang 2 chia sẻ: “Cuối tuần, chúng tôi chạy xe về nhà cách trường 40km để thăm gia đình, in giáo án và mua thực phẩm mang lên. Tuy nhiên, đó là vào mùa nắng, còn mùa mưa thì việc về nhà không thể đều đặn. Nếu bão hoặc mưa lớn thì chúng tôi phải ở lại cả tháng vì đường núi hiểm trở, đất đá sạt lở, chắn hết lối đi”.

Gian khổ, vất vả là vậy, nhưng các thầy cô giáo gieo chữ ở xã vùng cao này không nản lòng, mà luôn kiên trì bám trường, với mong muốn học sinh của mình ý thức hơn trong học tập để có kiến thức. Khi biết được con chữ và được sự dạy dỗ, các em sẽ tránh được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sau này có thể tìm được công việc ổn định, thoát khỏi đói nghèo.

Đặc thù của thôn Phú Đồng và Phú Hải là học sinh người dân tộc Ba Na, các em giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nên ngoài dạy kiến thức, các thầy cô còn phải tăng cường tiếng Việt cho các em. Em Ka Pá Thị Thu Uyên, học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Phú Mỡ, chia sẻ: “Em rất biết ơn các thầy cô giáo đã không quản ngại đường sá xa xôi đến đây dạy chữ cho chúng em. Em sẽ cố gắng học giỏi để trở thành cô giáo, giống như các thầy cô bây giờ”.

Ông Ka Pá Tý, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ Phú Đồng giãi bày: “Nơi đây bà con thường xuyên đi làm rẫy, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em. May mắn có các thầy cô yêu nghề, tận tâm dạy bảo để các cháu ngày càng tiến bộ. Chúng tôi cảm ơn các thầy cô và rất mong Nhà nước sớm làm đường, để các thầy cô và dân làng đi lại thuận lợi hơn”.

Chúng tôi ra về sau một ngày đồng hành cùng các thầy cô mà vô cùng cảm phục trước ý chí, nhiệt huyết, nghị lực của họ. Rất mong ngành Giáo dục, các ban ngành liên quan quan tâm hơn nữa tới học sinh, giáo viên và giáo dục miền núi. Mong con đường “mùa nắng thì bụi mùa mưa thì lầy” này sớm được thi công để hành trình gieo chữ bớt gian nan, để các mầm xanh nhanh vươn tới một tương lai tươi sáng…

TÂM PHẠM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/289360/vuot-duong-xa-suoi-sau-len-vung-cao-gieo-chu.html