Vượt khó bám nghề
Là những người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân và tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, những người làm công việc điều dưỡng chịu không ít áp lực, vất vả. Tuy thế, với tinh thần hết lòng vì công việc và tận tâm với người bệnh, các điều dưỡng đã 'vượt lên chính mình' để gắn bó với công việc.
Nhiều bạn trẻ tuy biết đến với nghề điều dưỡng sẽ có nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết định lựa chọn nghề này cho tương lai.
* Khởi sắc trong tuyển dụng điều dưỡng
Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là nơi chăm sóc các bé sơ sinh bị bệnh nặng. Các bé không chỉ phải chịu đau đớn mà còn có nhiều thiệt thòi khi phải xa mẹ ngay từ khi lọt lòng. Vì vậy, các điều dưỡng nơi đây không chỉ đóng vai trò là người chăm sóc, mà còn như một người mẹ của các bé sơ sinh.
Công việc điều dưỡng vốn đã vất vả, những người làm công tác chăm sóc trẻ sơ sinh ở phòng hồi sức tích cực lại càng áp lực hơn. Những ai đã từng làm mẹ, phải ngày đêm chăm sóc con nhỏ bị bệnh nặng, đa dị tật bẩm sinh mới hiểu hết những vất vả của các điều dưỡng nơi đây. Nếu không thực sự yêu nghề thì khó bám trụ được. Có thời điểm, các điều dưỡng của Khoa phải thường xuyên làm việc “tua 3” (làm việc 3 ngày theo giờ hành chính và trực 1 ngày đêm) hoặc “tua 2” (làm việc 2 ngày theo giờ hành chính và trực 1 ngày đêm) mới gánh được hết công việc.
Hơn 25 năm gắn bó với Khoa, chị Trần Tôn Nữ Anh Ty đã coi nơi đây như nhà mình, các bệnh nhi như là con mình.
Ngày 26-10-1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó, ngày 26 hàng năm được quy định là Ngày Điều dưỡng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân những người làm công tác điều dưỡng, tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Chị Anh Ty chia sẻ: “Công việc vất vả nhưng khi thấy các bé hồi phục, được người thân bế bồng, ôm ấp thì trong mình tình cảm lại dâng trào, đó là động lực cho mình gắn bó với nghề hơn. Nhìn các bé được điều trị qua cơn nguy kịch, cha mẹ đón các bé về, tinh thần cũng phấn chấn hơn, giúp mình bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực như nghỉ việc, chuyển đổi một công việc khác”.
Điều dưỡng CKI Hồ Thị Yến, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, tổng số điều dưỡng của bệnh viện là 350 người, trong đó trình độ đại học và cao đẳng là 325 người. Với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng tạm đủ để phân tua trực”.
Cũng theo chị Yến, so với chỉ tiêu tuyển dụng thì toàn bệnh viện còn thiếu khoảng 80 điều dưỡng. Những năm trước, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện nay đã thuận lợi hơn. Cụ thể, năm 2021, bệnh viện không tuyển được điều dưỡng nào. Đến năm 2022, bệnh viện tuyển được 7 người. Riêng 9 tháng của năm nay, bệnh viện tuyển dụng được 31 điều dưỡng.
Để thu hút người lao động, ngoài áp dụng chính sách chung của tỉnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai còn có một số chính sách ngắn hạn hỗ trợ riêng cho đối tượng điều dưỡng như: điều dưỡng ở ngoại tỉnh đang thuê trọ được hỗ trợ tiền thuê phòng trọ 300 ngàn đồng/tháng cho 3 tháng đầu tiên, những điều dưỡng đi làm xa (trên 30km) thì được hỗ trợ 500 ngàn đồng tiền xăng/tháng” - chị Yến cho hay.
Không chỉ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, công tác tuyển dụng điều dưỡng ở các cơ sở y tế cũng thuận lợi hơn. Mặc dù vẫn còn tình trạng điều dưỡng xin nghỉ hoặc chuyển nơi làm việc nhưng số lượng điều dưỡng xin vào làm việc đã tăng nhiều hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, trong 9 tháng của năm 2023, bệnh viện tuyển dụng được 22 điều dưỡng. Có được điều này là nhờ chính sách thu hút từ Nghị quyết 34/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025. Theo đó, mỗi điều dưỡng có trình độ cao đẳng trở lên hưởng mức trợ cấp 3 triệu đồng/tháng, còn trình độ trung cấp là 2 triệu đồng/tháng.
* Công tác tuyển sinh thuận lợi
Những năm gần đây, công tác tuyển sinh ngành Điều dưỡng của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã có nhiều khởi sắc khi số lượng người học ngày càng tăng. Nếu như năm 2022, trường tuyển sinh được 4 lớp điều dưỡng thì năm nay trường đã tuyển sinh được 6 lớp với gần 200 sinh viên.
Theo ThS điều dưỡng Trịnh Thị Chinh, Trưởng bộ môn Điều dưỡng, sở dĩ lượng sinh viên ngành học này tăng là vì nhu cầu xã hội đối với ngành Điều dưỡng đang ở mức cao. Hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế đều cần tuyển dụng nhân viên điều dưỡng. Bên cạnh đó, người học ngành này còn có cơ hội xuất khẩu lao động tại thị trường nước ngoài.
Anh Lâm Gia Kiệt, sinh viên năm nhất ngành Điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay, anh đã tìm hiểu và cảm thấy bản thân phù hợp với nghề điều dưỡng nên quyết định theo học ngành này.
“Khi đi bệnh viện, tôi được chứng kiến các anh chị điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân và nhận thấy đó là công việc ý nghĩa. Nghề mình chọn có ý nghĩa là có thể chăm sóc được người khác, giúp họ vượt qua đau đớn của bệnh tật. Tôi hy vọng khi ra trường có thể tìm được công việc với đồng lương tương xứng để yên tâm gắn bó với nghề” - anh Kiệt chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai không chỉ xây dựng hệ thống giáo trình chuẩn, đội ngũ giảng viên chất lượng mà còn sắp xếp hợp lý giữa lý thuyết và thực hành. Ngay từ năm nhất, sinh viên của trường đã được đi thực hành, thực tập tại bệnh viện để nâng cao tay nghề.
Đầu tháng 10, nhà trường tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp để sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất hiểu rõ về nghề; tổ chức hoạt động ngoại khóa triển khai các quy định, chính sách của ngành để sinh viên nắm bắt…
Chị Lê Thị Cẩm Tiên, sinh viên năm 3 ngành Điều Dưỡng cho hay, khi chọn nghề điều dưỡng, nhiều người không ủng hộ với quyết định này của chị vì cho rằng đây là nghề vất vả. Chị Tiên cho rằng, mỗi công việc đều có những khó khăn đặc thù riêng. Đối với nghề điều dưỡng, tuy có vất vả nhưng lại có thể chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Không những vậy, cơ hội việc làm của ngành này luôn rộng mở.
Cá nhân chị Cẩm Tiên trong quá trình học ở trường đã được tạo điều kiện để đi thực tập tại 3 bệnh viện lớn của tỉnh là: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Việc thực tập ở nhiều bệnh viện không chỉ giúp chị học hỏi về nghiệp vụ, mà còn được làm quen với môi trường, văn hóa nơi làm việc khác nhau; học hỏi thêm về văn hóa ứng xử với bác sĩ, đồng nghiệp, bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân… Những kinh nghiệm thực tiễn này giúp chị và các bạn tự tin để làm việc khi ra trường.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202310/vuot-kho-bam-nghe-54060ca/